Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, nhiều công ty du lịch, dịch vụ đóng cửa vĩnh viễn.
Đứng trước tình hình đó, rất nhiều công ty du lịch đã nhanh chóng quay sang phát triển mảng du lịch nội địa mà trước đây đã không đánh giá đúng tiềm năng, và cũng vì tập trung vào phát triển du lịch nước ngoài.
Không còn đi một chân
Được hỏi đánh giá thế nào về tình hình du lịch tới đây, ông Phạm Bá Cẩn, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Intertour Việt Nam cho biết: “Sớm lắm thì hết năm nay mới nghĩ đến du lịch outbound, cho dù có “bong bóng du lịch” nhờ sự hợp tác giữa các quốc gia. Do vậy, trước đây, công ty tôi chỉ huy động khoảng 15% nguồn lực để phát triển mảng du lịch nội địa, nhưng hiện tại, chúng tôi dành 100% nguồn lực phát triển du lịch nội địa. Nếu nói một cách lạc quan, thì “nhờ” COVID-19, chúng tôi phát hiện ra thị trường tiềm ẩn của du lịch Việt mà trước đây không nghĩ tới”.
Nếu như trước đây chúng tôi tạm coi là “đi bằng một chân”, thì nay, chúng tôi tự tin rằng, hậu COVID, ngoài du lịch outbound là sở trường của Intertour Việt Nam, chúng tôi có thể “đi bằng hai chân” nhờ hơn 1 năm qua tập trung phát triển du lịch nội địa. “Phải thẳng thắn rằng, chúng tôi chưa có lãi từ du lịch nội địa, nhưng bằng cách thắt chặt chi tiêu, dùng quỹ dự phòng có từ trước dịch, lấy tích lũy từ các hình thức kinh doanh khác, chúng tôi đã đầu tư cho mảng du lịch nội địa một cách xứng đáng”, ông Phạm Bá Cẩn vui mừng nói.
Cho tới thời điểm này, các nhân sự chủ chốt của công ty vẫn được duy trì, các địa điểm đang thuê cũng không phải trả lại. Sản phẩm du lịch của công ty thay đổi nhằm vào nhóm khách, khách hội nghị, bán voucher với combo dịch vụ giá tốt cho khách hàng, phát triển tour du lịch free and easy (combo chỉ gồm những dịch vụ thiết yếu cho du khách - vé máy bay, phòng khách sạn, còn lại du khách tự do và tự túc khi tới điểm đến).
Cơ hội tốt để thay đổi
Cùng ý tưởng phát triển du lịch nội địa một cách mạnh mẽ, bà Phạm Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Định, Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Golden Life cho hay: Dịch Covid 19 xảy ra, mọi hoạt động bị ngưng trệ và đóng băng. Đây là thời gian với chúng tôi thật sự đáng nhớ. Tuy nhiên, chúng tôi không hoang mang, mọi kế hoạch, dự định vẫn được triển khai, guồng máy vẫn quay đều đều. Chúng tôi xác định COVID-19 là rủi ro bất khả kháng nhưng lại là cơ hội tốt để thay đổi và đổi mới mạnh mẽ.
Bà Xuân Lan cho biết: “Chúng tôi tập trung phát triển thêm mảng thị trường khách lẻ và kênh bán hàng trực tuyến. Trước kia Golden Life Travel chú trọng đến khách đoàn. Chúng tôi là doanh nghiệp tiên phong cung cấp Land Tour tại Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên và Tây Nguyên, tập trung chủ yếu vào đối tượng công ty lữ hành đưa khách về địa phương”.
Còn hiện nay chúng tôi mở rộng thêm mảng khách ghép lẻ cho các công ty lữ hành và công chúng. Ngoài ra chúng tôi cũng chú ý hơn đến việc khai thác lượng khách địa phương đi đến các địa phương khác. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong tiếp thị và bán hàng, liên kết với các công ty lữ hành uy tín trên cả nước để phục vụ được số lượng khách lớn hơn và đa dạng sản phẩm.
Nhờ dịch COVID-19, bà Xuân Lan cùng cộng sự cũng nhận ra rất nhiều tiềm năng của du lịch nội địa mà trước giờ chưa hướng đến. Ví dụ như du lịch văn hóa; du lịch chăm sóc sức khỏe; trải nghiệm đời sống bản địa ở những làng nghề tại Bình Định, nhất là những võ đường nổi tiếng để quảng bá Võ Bình Định, mang lại sức sống cho những võ đường, phát triển du lịch từ điểm độc đáo khác biệt của quê hương. Thậm chí, doanh nghiệp này còn đang xây dựng chương trình du lịch báo hiếu dành cho những người con chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho bố mẹ cao tuổi, dự định từ 55 - 75 tuổi.
“Còn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người mà chúng tôi chưa khai thác hết. Cơ hội thị trường còn nhiều cho du lịch nội địa. Vấn đề bây giờ là cần phải biết tổ chức, phải liên kết cùng nhau để đưa ra những chương trình du lịch chất lượng cao và giá rẻ hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng”, bà Xuân Lan cho biết thêm.
Vẫn đông du khách trẻ trong ‘năm COVID’
Là một trong những đơn vị phát triển thị trường du lịch outbound, Công ty Travel Plus trước đây chỉ chú trọng phát triển mảng dịch vụ đưa du khách tham quan nước ngoài, thâm niên 30 năm. Trước dịch hai tháng, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Travel Plus bắt đầu thử nghiệm một mô hình Huế 1962 INN, một dạng cao cấp hơn homestay và quy mô nhỏ hơn khách sạn. Tại đây, du khách vẫn được hưởng dịch vụ tiện nghi nhưng lại trong một ngôi nhà của gia đình anh để lại, được đi chợ, nấu ăn, tham gia các sinh hoạt văn hóa cùng chủ nhân ngôi nhà, cung cấp trải nghiệm mang tính địa phương. Đây là một xu hướng du lịch mới, đã có ở thế giới và đang nhen nhóm gần đây ở Việt Nam.
Huế 1962 INN có sự pha trộn về kiến trúc giữa Đông Dương và nét cổ kính của ngôi nhà Huế, tiện nghi tốt nhưng lại gần gũi, thân thiện. Mặc dù dịch COVID-19 đã đem lại khó khăn cho ngành du lịch nhưng may mắn, Huế 1962 INN vẫn tồn tại được và ổn định về lượng khách những khi dịch lắng xuống, tính cho tới nay là 1 năm 3 tháng. “Kiến trúc cổ kính và sang trọng của ngôi nhà đã thu hút một số lượng lớn du khách trẻ”, ông Tùng cho nói và cho hay số lượng khách quay lại rất nhiều.
Ông Nguyễn Bá Thanh Tùng lạc quan: Sau dịch COVID-19, tôi sẽ phát triển và mở rộng mô hình này. Tại Huế sẽ là một chuỗi boutique homestay (INN) như Huế 1962 INN, và cố gắng mở thêm ở Sài Gòn, nếu được du khách đón nhận, tôi sẽ phát triển thành một chuỗi. Theo dự đoán của tôi, du lịch hậu COVID sẽ bùng nổ và do đó, cần có nhiều mô hình phong phú để đón bắt nhu cầu này.