Một số công ty như Microsoft và Shake Shack gần đây thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trong nỗ lực giúp nhân viên của họ cân bằng công việc và cuộc sống hơn. Dù giảm 1 ngày lao động có thể tạo động lực cho nhân viên hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn hơn, nó lại đi cùng nhược điểm lớn. Đó chính là giảm thời gian cho các cơ hội thăng tiến về lâu dài của nhân viên, chẳng hạn tạo dựng mạng lưới với các đồng nghiệp quan trọng.
Đây là ý kiến của Laura Vanderkam, một chuyên gia quản trị thời gian từng viết vài cuốn sách về chủ đề cuộc sống – công việc. Chẳng hạn, bà cho rằng thay vì ăn trưa với đồng nghiệp hay khách hàng có thể giúp bạn có dự án tốt trong tương lai, bạn lại chọn hoàn thành công việc vì không có thời gian.
Tất nhiên, cải cách giờ làm việc là đòi hỏi rõ ràng và hợp lý trong thời điểm hiện nay. Khảo sát 7.500 nhân viên năm 2018 của Gallup chi rra 23% cảm thấy luôn hoặc thường xuyên trong tình trạng kiệt sức, 44% “thi thoảng”. Gần một nửa trong số 614 phụ trách nhân sự trả lời trong cuộc khảo sát năm 2017 của Kronos rằng kiệt sức là nguyên nhân đứng sau một nửa số lao động nghỉ việc/bị thay thế.
Giảm một ngày làm việc có thể giúp giải quyết vấn đề trong khi cải thiện năng suất lao động khi buộc nhân viên phải tận dụng hết thời gian tại văn phòng. Song theo Vanderkam, lời giải có lẽ nằm ở việc cho phép làm việc linh hoạt hơn là giảm ngày làm. Ví dụ, nếu nhân viên phải đi khám bệnh vào thứ Sáu, họ có thể xin làm việc nhiều hơn từ thứ Hai tới thứ Năm và làm việc ít hơn vào thứ Sáu.
Về số giờ làm việc lý tưởng trong tuần, chuyên gia thừa nhận chúng ta không biết con số thật sự là bao nhiêu. Đó là vấn đề của tối ưu hóa.