Morita - Người tạo dựng 'Made in Japan'

Không đi đường dọn sẵn

Là con cả trong một gia đình có truyền thống nấu rượu sake 15 đời ở Nagoya, từ nhỏ Morita đã được "ủ men" để trở thành người cầm chịch ngành kinh doanh truyền thống của gia đình. Từ năm 10 tuổi, cha đã cho ông tham dự tất cả cuộc họp của công ty để giúp ông làm quen với công việc.

Với tư chất thông minh, Morita chỉ mất vài năm để trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực liên quan, từ kiểm soát tới sản xuất, đánh giá chất lượng rượu và quản lý nhân viên. Vào thời gian đó, công ty đã mở rộng sản xuất với sản phẩm mới đậu nành lên men và tương.

Một cuộc thăm dò của Harris trước khi Morita qua đời (năm 1999), cho thấy Sony là thương hiệu được tin dùng số 1 của người tiêu dùng Mỹ, hơn cả những công ty Mỹ như General Electric và Coca-Cola.

Gia đình Morita ngày càng giàu có, trong nhà luôn có khách quý, kể cả từ phương Tây, tiếng máy hát đĩa nhạc Tây hầu như không dứt. Tiền đồ của Morita vô cùng sáng lạn và ai cũng tin ông sẽ trở thành lãnh đạo xuất sắc tiếp theo của gia đình trong nghề truyền thống.

Thế nhưng, càng lớn lên Morita càng nhận ra một điều có thể khiến cha ông nổi giận: yêu thích chiếc máy ghi âm của gia đình hơn là rượu sake. Và càng ngày ông càng nhận ra khao khát của mình trong lĩnh vực điện tử, muốn tự tay chế tạo chiếc máy ghi âm của riêng mình.

Ông đã quyết định theo học Vật lý tại Đại học Hoàng gia Osaka. Khi ông tốt nghiệp cũng là lúc Thế chiến 2 diễn ra, Morita nhập ngũ vào hải quân theo một chương trình cho phép ông thực hiện nghiên cứu thay vì phục vụ trong chiến đấu. Trong khi phát triển vũ khí tầm nhiệt, Morita lần đầu tiên làm việc với ông Ibuka, lớn hơn ông 13 tuổi, người từng thành lập một công ty nhạc cụ điện tử trước khi chiến tranh nổ ra.

Morita và máy nghe nhạc bằng băng từ.

Sau chiến tranh, Ibuka thành lập công ty mới tại Tokyo, chế tạo các bộ dụng cụ chuyển đổi radio AM thành máy thu sóng ngắn. Morita tình cờ đọc bài báo về công ty này và liên lạc với người bạn cũ. Ông Ibuka đã đề nghị Morita tham gia công ty của mình.

Ông Ibuka đã tới Nagoya cầu khẩn cha của Morita "giải phóng" ông Morita khỏi công việc kinh doanh của gia đình. Cha Morita không những đồng ý mà sau đó còn trở thành người ủng hộ tài chính cho công ty mới, Tokyo Tsushin Kogyo, hay Tập đoàn Kỹ thuật Viễn thông Tokyo, khai trương vào ngày 7-5-1946 với khoản đầu tư khoảng 500USD.

Đứng lên từ thất bại

Mặc dù công ty lúc đầu chủ yếu sửa chữa radio, nhưng cũng đã đưa ra sản phẩm của riêng nồi cơm điện. Được chế tạo bằng các điện cực nhôm lồng vào nhau dưới đáy nồi bằng gỗ, sản phẩm chủ yếu có chức năng "đốt gạo", không nấu được cơm và sản phẩm này chỉ bán được 100 cái.

Nhưng thất bại không làm chùn bước chàng trai 25 tuổi Morita vừa bước chân vào con đường khởi nghiệp. Morita đã nghĩ đến việc chuyển sang làm máy ghi âm. Ông bắt đầu thu thập các tài liệu liên quan và tìm kiếm giấy máy in rô-nê-ô (mimeograph). Sau khi có giấy này, ông dùng dao lam cắt nó thành dải và bắt đầu nghiên cứu làm máy ghi âm. Dù sản phẩm làm ra không phải để bán, nhưng nó hoạt động được và đã truyền cảm hứng cho Morita tiến xa hơn với thử thách mới.

Thất bại trong nồi cơm điện khiến Morita không e ngại khi gặp nhiều rủi ro hơn và đối mặt với nghịch cảnh một cách bình tĩnh. Vì vậy, khi công ty của ông bắt đầu xây dựng sản phẩm đình đám đầu tiên của mình, đài phát thanh bóng bán dẫn, ông không bị bối rối khi Bộ Công nghiệp - Ngoại thương đã giữ nửa năm phí bản quyền Morita cần để mua thiết bị bóng bán dẫn Western Electric.

Sau này, với Sony, Morita cũng nhiều lần vấp ngã khi cố gắng bán máy tính cá nhân. Năm 1981, Morita công bố Mavica, máy ảnh kỹ thuật số ghi lại hình ảnh trên đĩa mềm thay vì trên phim. Nhưng máy ảnh này không bao giờ xuất hiện trên thị trường và Morita bị cáo buộc đã đưa ra thông báo sớm để đánh bóng hình ảnh của Sony như một nhà đổi mới.

Quyết định tồi tệ nhất của Morita có thể là với Betamax, đầu máy video (VCR), xuất hiện vào năm 1975. Sony đã không dễ dàng cấp phép công nghệ cho các công ty điện tử khác. Vì vậy, hầu hết đối thủ Nhật Bản cùng đứng sau hệ thống VHS, cung cấp thời gian ghi âm lâu hơn. Cuối cùng, Betamax đã hết thị trường.

Cuối năm 1994, trong một trong những khoảnh khắc xấu hổ nhất trong lịch sử của mình, Sony tuyên bố chịu khoản lỗ 3,2 tỷ USD từ khoản đầu tư vào Hollywood. Họ đã bị mắc kẹt với công ty phim Sony Pictures Entertainment.

Dẫn dắt thị trường

Năm 1950, Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo của Morita và Ibuka đã chế tạo thành công chiếc máy ghi âm bằng băng đầu tiên. Chiếc máy hoạt động tốt và cả 2 tin rằng nó có tiềm năng lớn, nhưng lại không ai có nhu cầu mua nó. Lúc đó, người Nhật hầu như không mấy quan tâm đến những thiết bị "phi thực tế" như máy ghi âm.

Morita và Ibuka đã rất lo lắng, sợ rằng sản phẩm của mình sẽ lại chết yểu như chiếc nồi cơm điện năm nào. May thay, một nhóm giáo viên tình cờ phát hiện ra sản phẩm máy ghi âm của công ty, nhận ra rằng nó có thể được sử dụng trong lớp học. Không để lỡ cơ hội, Morita và Ibuka bắt đầu sản xuất các chương trình đào tạo bằng âm thanh ghi trên băng từ để đáp ứng nhu cầu của các giáo viên. Họ cũng bắt đầu đi đến các trường học ở Nhật Bản để giới thiệu sản phẩm mới.

Thế là, từ sản phẩm không có thị trường, máy ghi âm của Sony nhanh chóng trở thành sản phẩm tiên tiến có nhu cầu cao ở khắp Nhật Bản. Thiết bị được bán nhanh đến nỗi các công ty hiếm khi đáp ứng đủ nhu cầu. Morita đã không chỉ cải thiện được lợi nhuận, còn nhanh chóng học được bài học đáng giá: Không cần phải tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mà có thể tự tạo ra thị trường.

Morita tiết lộ ông không tin vào nghiên cứu thị trường. "Kế hoạch của chúng tôi là dẫn dắt công chúng với các sản phẩm mới, thay vì hỏi họ loại sản phẩm nào họ muốn" - ông viết trong cuốn tự truyện ''Made in Japan'' (xuất bản năm 1986). Morita đặc biệt tự hào về Walkman, máy nghe băng cassette cầm tay có tai nghe.

Từ khi thành lập công ty, ông Morita tham gia tiếp thị nhiều hơn, trong khi ông Ibuka đảm nhiệm việc phát triển công nghệ. Ngay từ những năm 1950, ông đã có định hướng quốc tế, đến New York và châu Âu để bán sản phẩm của công ty. Để thâm nhập thị trường nước ngoài, Morita sớm nhận ra rằng công ty cần cái tên người nước ngoài có thể phát âm và ghi nhớ.

Vì vậy, vào năm 1958, tên công ty đã được đổi thành Sony, bắt nguồn từ tiếng Latin sonus, có nghĩa âm thanh, và từ tiếng địa phương của Mỹ ''sonny boy", ông Morita hy vọng sẽ truyền tải một hình ảnh trẻ.

Một trong những nguyên lý chính của ông Morita là bồi dưỡng và bảo vệ thương hiệu của công ty. Khi Bulova, một công ty đồng hồ ở Mỹ, cho biết sẽ đặt hàng 100.000 radio nhưng sẽ bán chúng dưới tên riêng của mình, Morita đã từ chối. Các đồng nghiệp của ông ở Tokyo nghĩ rằng ông bị điên, nhưng Morita viết trong cuốn tự truyện của mình: ''Đó là quyết định tốt nhất tôi từng đưa ra''.

Kim Bang

Nguồn: Báo SGĐT