Mục tiêu cuối năm 2021, Việt Nam có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Cần làm ngày làm đêm đẩy nhanh nhất tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp trực tuyến về rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam, ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19 đánh giá, đến nay việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại vắc xin ở Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tích cực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, bảo đảm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin Covid-19.

Với vắc xin NanoCovax, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị nhóm nghiên cứu, nhà sản xuất khẩn trương tăng tốc, làm ngày làm đêm, sớm nộp hồ sơ bổ sung gửi Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Hội đồng cấp phép), xem xét kết quả để đánh giá khả năng cấp phép khẩn cấp cho vắc xin này. 

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, việc nộp hồ sơ bổ sung này cần thực hiện trước ngày 15/9.

Với vắc xin Covivac và ARCT-154 đang triển khai thử nghiệm tại một số địa phương, Thứ trưởng đề nghị các nhóm nghiên cứu xây dựng kế hoạch cụ thể và báo cáo để mở rộng thu tuyển, sàng lọc người tình nguyện, nhằm phòng tình huống có thay đổi trong danh sách tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm; tích cực rút ngắn quy trình không thực sự cần thiết để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu 2 loại vắc xin này.

Mục tiêu cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có vắc xin nghiên cứu, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ. 

Với các loại vắc xin khác đã bàn bạc hợp tác chuyển giao công nghệ như vắc xin của Nga, Cuba và Tây Ban Nha, Thứ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương tiến hành các nội dung theo tinh thần rút ngắn quy trình nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học.

Liên quan đến vắc xin Abdala do Cuba sản xuất, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thiện đề án nhận chuyển giao công nghệ vắc xin này. Thứ trưởng nhấn mạnh lại yêu cầu các đơn vị liên quan (như Cục Quản lý Dược, Hội đồng cấp phép) ngay khi nhận đủ hồ sơ, cần sớm thẩm định, cấp phép vắc xin này trong thời gian sớm nhất (dự kiến khoảng 3 ngày). 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cần sớm tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về việc phát triển vắc xin cho trẻ em từ nguồn nghiên cứu trong nước và nguồn chuyển giao công nghệ. 

Hợp tác chuyển giao công nghệ vắc xin Abdala của Cuba

Bộ Y tế đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đối tác Cuba để tiếp cận hồ sơ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Abdala. Bộ Y tế đã giao Công ty TNHH MTV vắc xin Pasteur Đà Lạt thảo luận với đối tác Cuba về các điều khoản trong dự thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ và lập kế hoạch làm việc với đoàn chuyên gia của Cuba sang khảo sát tại Việt Nam.

Về tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ vắc xin Covid-19, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, phía Nga đã trả lời, vắc xin Sputnik V do Vabiotech đóng ống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Đơn vị cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan để xin cấp phép xuất xưởng các lô này. 

Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết, ngay trong tháng 9, Công ty sẽ làm thủ tục nhập ngay bán thành phẩm vắc xin Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vắc xin này tại Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ thúc đẩy việc nộp hồ sơ vắc xin Sputnik Light nhằm nhanh chóng đăng ký sớm cho vắc xin này, sau đó Vabiotech sẽ trao đổi với nhà cung cấp ở Nga, để đóng gói, đóng ống vắc xin này tại nước ta.

Nguồn GDTĐ