Nắm tình hình chắc sẽ làm tốt công tác hòa giải

Dù tuổi đã cao nhưng giọng ông Nguyễn Văn Bộc (phường Thụy Khuê) vẫn sang sảng và tràn đầy nhiệt huyết. Cách nói chuyện hồn hậu của ông khiến nhiều người dân tin tưởng, kính trọng. Trong ngôi nhà nhỏ trên con phố Thụy Khuê có nhiều cuốn sách luật, sách tham khảo, theo ông Bộc đó chính là “thư viện” nghiên cứu nhỏ giúp ông có thêm kiến thức phục vụ công tác hòa giải và nhiều công việc khác tại địa phương.

Từng là công nhân, năm 1992, ông Bộc về nghỉ chế độ tại địa phương. Qua tham gia sinh hoạt và có uy tín, ông được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Từ đó trở đi, với sự nhiệt tâm, hết mình, ông được bầu tham gia rất nhiều công việc tại cơ sở. Ông tham gia làm tổ trưởng tổ hưu trí, đại biểu HĐND phường, tổ trưởng tổ dân phố, Phó ban Thanh tra nhân dân, tổ trưởng tổ hòa giải, Chủ tịch Hội khuyến học phường…

Ông Bộc luôn nhận được sự tin tưởng của người dân trong khu phố. Ảnh: N.Đăng

Ông Bộc cho biết, dù đảm nhận nhiều việc nhưng việc mà ông tâm huyết nhất và cũng thấy khó khăn nhất là công tác hòa giải mà ông làm tổ trưởng. Do có sự giúp sức của một đồng chí CA khu vực, một đồng chí của Hội phụ nữ phường nên công việc của ông cũng khá thuận lợi. “Cũng bởi mình làm công tác tại địa phương, rất gần dân nên hiểu rõ từng trường hợp, khi có những xích mích hay va chạm xảy ra, mình sẽ là hiểu rõ nhất, từ đó có những giải pháp hòa giải phù hợp được đưa ra”, ông Bộc chia sẻ.

Ông Bộc đã dẫn ra không ít ví dụ cụ thể như vụ việc ông hòa giải thành công chuyện một cặp vợ chồng cãi nhau dẫn đến đệ đơn ly hôn. Qua nắm bắt tình hình, ông Bộc biết anh chồng từng buôn ma túy, mắc nghiện, đã phải đi cải tạo và đã hoàn thành việc cải tạo tập trung. Khi trở về địa phương, anh mở xưởng mộc, thuê cả người cùng làm nhưng lại “cặp kè” với một cô gái học nghề, rồi đánh vợ và tự ý làm đơn ly hôn.

Khi biết sự việc, ông Bộc đã mời cả hai vợ chồng đến, phân tích rõ đúng, sai. Cái sai của người chồng là cặp bồ, còn tự ý viết đơn; cái sai của người vợ là xúc phạm chồng. Ấy vậy, cả hai có điểm chung là chịu khó, thương con. Vậy là bằng những phân tích mềm dẻo, xác thực, ông Bộc đã khiến cả hai mềm lòng, không căng thẳng và đến giờ cuộc sống gia đình của họ vẫn hạnh phúc.

Có những vụ việc được ông Bộc hòa giải khá nhanh, thế nhưng có không ít những vụ việc mà khi bắt tay vào, ông Bộc có cảm giác khó như “nhảy vào lửa”. Bởi, người chồng có lý của chồng, vợ có lý của vợ, cãi cọ nhau, chẳng ai nhường ai. “Khi nghe tôi phân tích ra, có người đang nóng giận cũng phải chùng xuống. Là người làm công tác hòa giải, phải có cái uy, phải phân tích khách quan để cả hai bên thấy cần phải lắng nghe và sửa lỗi. Nếu không thì ai cũng cho mình đúng tất”, ông Bộc nói.

Với đặc điểm của phường Thụy Khuê là một trong những phường đông dân cư trên địa bàn quận Tây Hồ, lại nhiều ngõ ngách. Thế nên trong vấn đề xây dựng, có nhiều mối quan hệ phức tạp, có người là hàng xóm với nhau đã quay lưng không nhìn mặt nhau. Không ít vụ tranh chấp tài sản liên quan đến bà con ruột thịt, anh em dòng họ. Vậy thì, hòa giải bằng điều gì đây, nếu không phải là những phân tích rất thật của người làm hòa giải.

Thế nên, mỗi lần việc đến tay, ông Bộc lại nhập cuộc một cách đầy trách nhiệm. Ngay như chuyện vận động bà con kê khai thuế đất nông nghiệp, ông thực hiện trước để bà con noi gương. Nhiều gia đình không có điều kiện hiểu cặn kẽ nội dung kê khai, hoặc những gia đình phần đất kê khai phức tạp, rườm rà... ông đã tích cực hướng dẫn, vì vậy mấy năm qua, tổ dân phố ông làm tổ trưởng, không có hộ nào bị sai sót.

Được biết, do tuổi cao nên ông Bộc cũng đã mấy lần xin nghỉ, nhưng lãnh đạo phường cũng như người dân vẫn muốn ông tham gia. Trong cương vị là người làm công tác cơ sở, sát dân nhất, ông Bộc là tấm gương tận tụy, không vụ lợi. Phần thưởng cho những đóng góp của ông là TP Hà Nội, quận Tây Hồ đã trao tặng nhiều bằng khen. Nhưng với ông, niềm động viên lớn là sự quý mến của bà con và nhiều tổ ấm, dòng họ được bình yên, khu phố đoàn kết, thân tình, văn hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê: “Ông Bộc rất chú ý và quan tâm đến công tác hòa giải. Bất kỳ mâu thuẫn giữa các gia đình trong tổ hay mâu thuẫn trong nội bộ từng gia đình, ông đều hòa giải một cách nhiệt tình, trách nhiệm và hầu hết đều đạt kết quả tốt”.

Ông Bộc có khả năng thuyết phục, giảng giải để hàn gắn biết bao gia đình có nguy cơ tan vỡ, nhiều xích mích khó làm hòa, đây chính là điều khiến nhiều người khâm phục ông và cũng muốn tìm hiểu xem bí quyết của ông là gì? Với ông, công tác hòa giải tưởng khó mà dễ, nhưng cũng đừng nghĩ dễ mà chủ quan.

Bởi ông Bộc luôn luôn tâm niệm: “Tôi là người đứng ở giữa những vụ tranh chấp, đánh nhau, ly hôn… tôi phải tỉnh táo. Hơn thế nữa, chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải hiểu biết pháp luật. Bởi thế, tôi phải mày mò, tìm đọc, bồi dưỡng thêm cho mình kiến thức. Có vậy người dân mới nghe, công việc hòa giải mới hiệu quả”.

Nguyễn Đăng

Nguồn: Báo PL&XH