Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án tại Việt Nam

Chiều 8/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp xã giao bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam. Cùng ngày, Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác về Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án tại Việt Nam giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, thời gian qua, USAID là đối tác phát triển quan trọng đã hỗ trợ cho Việt Nam triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau và ở nhiều Bộ, ngành của Việt Nam. Đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của USAID Việt Nam đã phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp để xây dựng, đàm phán và ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác, kịp thời hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án, hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng hy vọng rằng, Bản Ghi nhớ này sẽ là cơ sở để hai bên cùng hợp tác với các mục tiêu hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án tại Việt Nam; tăng cường năng lực cho các bên liên quan của mạng lưới hòa giải, trọng tài ngoài tòa án (như các cơ quan tư pháp, tòa án, các trung tâm trọng tài, hòa giải...), để nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Qua đó, Bộ trưởng mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ USAID cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật và tư pháp, góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mà USAID có thế mạnh như tăng trưởng kinh tế và quản trị tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Cảm ơn sự tiếp đón của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, bà Ann Marie Yastishock bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Tư pháp đã hợp tác tích cực, tiếp tục vun đắp mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hoa Kỳ. Qua đó, bà Ann Marie Yastishock khẳng định các hoạt động hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ được tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới, giúp mối quan hệ giữa hai Bên sẽ ngày càng bền chặt và có nhiều bước tiến mới tích cực.

Cùng ngày, đã diễn ra Lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác về Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án tại Việt Nam giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Tham dự Lễ ký, trực tiếp và trực tuyến, về phía Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam có Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện một số đơn vị của Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan. Về phía Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Bản Ghi nhớ này là cơ sở để hai bên cùng hợp tác với các mục tiêu hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án tại Việt Nam; tăng cường năng lực cho các bên trong hòa giải, trọng tài ngoài Tòa án, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, trọng tài ngoài tòa án trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như các bên liên quan.

Bản Ghi nhớ dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian 04 năm kể từ ngày ký, là một trong những cơ chế triển khai hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật giữa Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (AETC) ký ngày 22/6/2005, góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu quan trọng quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội.

Ngay sau khi được ký kết, Bộ Tư pháp và USAID sẽ phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác hàng năm với các hoạt động hợp tác cụ thể thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về hoạt động giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp thay thế ngoài tòa án, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát, học tập kinh nghiệm tới Hoa Kỳ hoặc một số nước có thế mạnh trong hoạt động này.

Nguồn: https://baophapluat.vn/nang-cao-nang-luc-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-va-dau-tu-ngoai-toa-an-tai-viet-nam-post436972.html