Nâng cao tay nghề để thúc đẩy sáng tạo

Tuy nhiên, thời gian qua phong trào sáng tạo trong công nhân vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ tại từng DN. Trong khi đó, một lực lượng lớn đội ngũ công nhân lành nghề, cầu tiến, ham học hỏi nhưng lại chưa có được môi trường chung để họ phát huy sáng kiến sáng tạo.

Nhờ được đào tạo nâng cao tay nghề, công nhân Công ty In số 7 tự tin làm chủ máy móc hiện đại

Tạo môi trường phát huy năng lực

Năm 2016, Công ty cổ phần In số 7 đầu tư máy in UV với công nghệ hiện đại của Đức để phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh. Khi có kế hoạch trang bị máy mới, lãnh đạo công ty chủ động chuẩn bị nhân lực, các công nhân tay nghề cao được đưa sang Nhật học tập. Mục đích cao nhất công ty đưa ra là nhân lực tại chỗ phải làm chủ được máy móc hiện đại, không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Nhờ được đào tạo trong nước, kết hợp khóa tu nghiệp 2 tháng tại Nhật, nên từ khi đứng máy đến nay công nhân công ty đã rất tự tin trong vận hành máy.

Cũng bằng cách làm này, năm 2018, khi công ty đầu tư thêm máy in offset tờ rời CD hiện đại, công nghệ thân thiện môi trường, công nhân của đơn vị cũng tự tin làm chủ máy móc. Theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty In số 7, các khóa đào tạo giúp người lao động nâng cao tay nghề cũng như tầm hiểu biết. Khi đó, người lao động sẽ có những cải tiến, sáng tạo phục vụ lại công việc.

Thúc đẩy sáng tạo bằng cách tạo môi trường, điều kiện để người lao động học tập, phát huy năng lực cũng là cách nhiều DN trên địa bàn TPHCM thực hiện. Tại Tổng Công ty Liksin, nhờ có sự đào tạo hàng năm, đến nay Liksin đang có hơn 43% công nhân từ bậc 3 đến bậc 4; riêng công nhân từ bậc 5 đến bậc 7 chiếm 16%. Đây cũng là lực lượng đưa ra nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động tại đơn vị.

Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, cho rằng những năm qua, việc thúc đẩy sáng tạo trong công nhân lao động vẫn chỉ diễn ra nhỏ lẻ tại các DN, chưa tạo được phong trào lan tỏa một cách sâu rộng.

“Tôi thấy tiếc khi nhiều nơi vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài, trong khi lực lượng lao động của ta trẻ, năng động, có tay nghề. Vậy vai trò của công đoàn đang ở đâu trong tham gia nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thúc đẩy sáng kiến, sáng tạo”, bà Khánh bày tỏ.

Sáng tạo là yếu tố phát triển

Vấn đề khơi gợi, tạo điều kiện để công nhân, người lao động phát huy năng lực sáng tạo cũng từng được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh. Song song đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng về phương thức sáng tạo cũng cần được thực hiện để giúp người lao động hiểu vai trò quan trọng của sáng tạo trong sản xuất.

Thực tế, thời gian qua nhiều phong trào thúc đẩy sáng tạo được các cấp công đoàn thành phố phát động đến từng đơn vị, người lao động trong các ngành nghề. Đó là phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Ôn lý thuyết, luyện tay nghề. Qua đó, mỗi năm có hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng thành công.

Bên cạnh đó, 18 năm qua Báo SGGP phối hợp LĐLĐ TPHCM tổ chức trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng cho những công nhân, kỹ sư có nhiều sáng kiến cải tiến mang lại lợi ích cho đơn vị. Giải thưởng được xem là bệ phóng giúp người lao động trưởng thành, khẳng định năng lực bản thân cũng như phát huy tính sáng tạo.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM, thời gian tới các cấp công đoàn thành phố sẽ nâng chất hoạt động, tuyên truyền, giáo dục để đưa ý thức sáng tạo đến từng người lao động ở bất kỳ ngành nghề, vị trí nào. Giúp người lao động và chủ DN hiểu sáng tạo là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đơn vị.

Trong cuộc gặp với cán bộ công đoàn gần đây, đồng chí Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TPHCM, lưu ý bên cạnh chăm lo vật chất, tinh thần thì việc chăm lo nâng cao trình độ, giúp người lao động làm chủ quy trình sản xuất, từ đó nâng cao tính sáng tạo là hoạt động thiết thực nhất mà các cấp công đoàn phải thực hiện.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Báo SGGP