Ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động để gây mất ANTT

Đánh giá về tổ chức công đoàn hơn 90 năm hình thành và phát triển, 35 năm đổi mới đất nước, Bộ Chính trị cho rằng, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ Chính trị, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động.

Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế. Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tuy giảm nhưng còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự…

Sau hơn 90 năm, tổ chức Công đoàn đã trưởng thành về mọi mặt

Nguyên nhân, được Bộ Chính trị chỉ ra, là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn chưa đầy đủ. Việc tham mưu, phối hợp để giải quyết các vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến công nhân, công đoàn có mặt còn hạn chế.

Bộ Chính trị nhìn nhận quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động còn nhiều bất cập; vi phạm pháp luật về lao động xảy ra còn nhiều, chậm được xử lý. Chất lượng đội ngũ công nhân có mặt còn hạn chế; việc làm, đời sống của một bộ phận công nhân, lao động còn khó khăn; xu hướng phân hóa trong công nhân, lao động ngày càng lớn làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và phát huy vai trò của công nhân trở nên khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị xác định mục tiêu thời gian tới là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công đoàn là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động…

Mục tiêu cụ thể, được Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2025 là phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn; đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; đến năm 2023 đạt tỉ lệ trên 70%.

Đến năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2045 hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Theo đó, công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.

Lưu ý xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, Bộ Chính trị cho rằng bên cạnh yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài chính, tài sản công đoàn cần phải chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản…

Đề cập đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, Nghị quyết nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.

Ở những nơi chưa có tổ chức đảng, theo Bộ Chính trị, Đảng lãnh đạo tổ chức công đoàn thông qua công đoàn cấp trên trực tiếp; cán bộ công đoàn các cấp, trước hết là cán bộ công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, người lao động.

Nguồn Công An TP.HCM