Nghề phụ kiếm tiền gấp 4-5 lần công việc chính
Tranh thủ giờ nghỉ trưa tại công ty, Thảo Ngân (22 tuổi, quận 1, TP.HCM) chốt đơn mỹ phẩm cho khách. Công việc phụ này giúp cô kiếm thêm khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thảo Ngân làm công việc marketing với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết chỉ đi làm để gia đình yên tâm. Trên thực tế, trước đó, cô có thu nhập khá tốt nhờ bán hàng qua mạng.
"Lương văn phòng chỉ giúp tôi chi trả tiền thuê nhà, điện, nước và ăn uống, không có khoản dư. Trong khi đó, công việc phụ giúp tôi kiếm gấp 4-5 lần, là nguồn thu nhập chính. Tôi từng vài lần thuyết phục cha mẹ cho ở nhà bán hàng, nhưng họ cho đó là lông bông, nhiều rủi ro", cô tâm sự.
Trở về nhà sau 8 tiếng làm việc tại văn phòng, thay vì nghỉ ngơi, Thảo Ngân bắt đầu kiểm tra tin nhắn của khách, soạn đơn hàng và đóng gói gửi đi.
Cảm thấy mệt, nhưng cô cho biết đây là đam mê từ lâu của mình. Đối với cô, việc bán hàng thoải mái và đỡ áp lực hơn hẳn so với phải chạy deadline ở môi trường công sở.
Thảo Ngân không từ bỏ công việc chính vì áp lực từ gia đình, họ hàng. Ảnh: NVCC.
"Tôi bán hàng online từ thời sinh viên, khách quen chủ yếu là bạn bè. Sau vài năm, tiệm tôi ngày càng ổn định lượng người mua. Mỗi tháng, doanh thu của tôi trung bình 70-80 triệu đồng, có thể tăng gấp đôi vào dịp lễ, Tết", cô kể.
Nhân viên này thừa nhận mình chi tiêu thoải mái nhờ có công việc phụ. Nếu chỉ phụ thuộc vào nghề nghiệp toàn thời gian, cô chắc chắn phải khốn đốn khi sinh sống một mình tại đô thị.
"Ở công ty, tôi không dám tiết lộ mình cùng lúc làm 2 việc, sợ cấp trên không bằng lòng. Thú thật, tôi cũng không dành quá nhiều tâm huyết với công việc fulltime của mình", cô bày tỏ.
Trần Anh (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tâm sự rằng mình sinh sống chủ yếu nhờ việc làm phụ. Mức lương 9 triệu đồng/tháng tại công ty không đủ để nhân viên quay phim này trang trải chi phí cuộc sống.
"Tôi là thu nhập chính trong gia đình nên buộc phải tìm nhiều cách kiếm tiền", anh nói.
Sau 2 năm hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, Trần Anh thành thạo một số kỹ năng như dựng phim, chụp ảnh, thiết kế đồ họa...
Ban đầu, anh được bạn bè thuê thiết kế ảnh đơn giản với tiền công 200.000-300.000 đồng/sản phẩm. Sau đó, họ tiếp tục giới thiệu anh cho các công ty có nhu cầu.
Đến hiện tại, mỗi tháng, anh nhận 5-6 dự án từ khách hàng, báo giá khoảng 3-10 triệu đồng cho một thành phẩm tùy vào yêu cầu. Một lần, anh kiếm được hơn 50 triệu đồng nhờ phụ trách thiết kế hình ảnh quảng bá cho một sự kiện.
"Từ khi làm thêm, tôi có tiền gửi về nhà đều đặn cho mẹ và em, dù không nhiều nhưng giúp họ đủ trang trải cuộc sống. Thỉnh thoảng, tôi vẫn dùng khoản tiết kiệm của mình để đưa cả nhà đi du lịch, ăn nhà hàng", anh trải lòng.
Trần Anh áp dụng kỹ năng có sẵn để tìm kiếm công việc phụ với thu nhập cao. Ảnh: NVCC.
Với Ngọc Diệp (28 tuổi, quận 7, TP.HCM), cô làm quản lý truyền thông cho một công ty giải trí với thu nhập 20 triệu đồng/tháng.
Tính chất công việc thường xuyên ra ngoài gặp gỡ khách hàng, đối tác nên Diệp linh hoạt lịch lên văn phòng. Nhờ đó, cô có thời gian làm thêm việc phụ.
"Ngoài việc làm fulltime, tôi nhận thêm việc quảng bá hình ảnh cá nhân cho một số nghệ sĩ, thu về 50-100 triệu đồng cho mỗi dự án như vậy", Ngọc Diệp cho biết.
Hợp tác cùng lúc với nhiều nghệ sĩ, trung bình mỗi tháng, cô kiếm được đến vài trăm triệu đồng.
Trong đó, cô chi trả 1/3 số tiền cho các thành viên thuộc ekip của mình như trợ lý, quay phim, chụp ảnh...
"Nhờ có nghề tay trái, tôi vừa sở hữu cho mình căn nhà đầu tiên tại TP.HCM. Tôi mua sắm, sinh hoạt hầu hết nhờ thu nhập phụ, chứ lương từ công việc chính không bõ bèn gì", cô gái tâm sự.
Có thu nhập ổn định từ công việc bán hàng online, Thảo Ngân vẫn kiên trì làm việc tại công ty marketing. Cô cho biết mình ám ảnh trước câu hỏi "Dạo này làm gì?" từ người thân, hàng xóm.
Có một công việc văn phòng, cô cảm thấy bớt căng thẳng và áp lực hơn khi đối diện với người quen ở quê nhà.
Nhiều người duy trì công việc chính song sống chủ yếu nhờ thu nhập phụ. Ảnh minh họa: Pixabay/Pexels.
"Ngoài ra, đi làm lâu, tôi cũng nhận ra công việc này giúp tôi quen được nhiều đồng nghiệp mới, có thêm kinh nghiệm giao tiếp và ứng xử trong cuộc sống. Ở đây, tôi có thể ứng dụng những thứ mình đã được học ở trường lớp và rèn luyện thêm. Kể ra làm nhiều biết nhiều cũng thú vị", Thảo Ngân nói.
Tuy nhiên, cô thừa nhận làm cùng lúc 2 công việc khiến mình nhiều lần kiệt sức.
Một số ngày, sau giờ tan ca, cô chạy vội về nhà để kịp livestream bán hàng vào khung giờ "vàng" của nền tảng. Nếu phải chạy deadline, sếp liên tục nhắn tin giục gửi sản phẩm, cô xác định trễ việc gửi hàng cho khách, đối mặt nguy cơ bị hủy đơn, đền bù...
Tương tự Thảo Ngân, Trần Anh cũng không muốn từ bỏ công việc chính. Anh cho biết công việc phụ không đảm bảo được sự ổn định về thu nhập cũng như tính quy củ về thời gian.
"Công việc văn phòng như bảo hiểm vậy, giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn nếu có tháng nhận ít dự án bên ngoài. Hơn nữa, tôi thấy mình sống lành mạnh, tích cực hơn khi đi làm. Học hỏi kỹ năng từ đồng nghiệp giỏi, vận dụng để kiếm tiền ngoài cũng là một điều khiến tôi ở lại đây", anh nói.
Song song 2 công việc, một tuần, Trần Anh làm việc liên tục không ngày nghỉ, thậm chí bị thiếu ngủ trầm trọng. Nhiều hôm, anh chỉ ăn mỳ tôm qua bữa, thức đêm nên bị đau dạ dày, cơ thể mỏi mệt. Chàng trai trẻ lo lắng về sức khỏe của mình.
"Biết rằng làm quá sức không tốt nên tôi sẽ cố gắng cân đối thời gian. Lắm lúc tôi nghĩ cố làm nốt rồi 'nghỉ hưu' sớm", anh cho hay.
Trong khi đó, với Ngọc Diệp, 8 năm làm ở công ty giải trí giúp cô có thêm nhiều mối quan hệ thân thiết với người nổi tiếng. Đây là môi trường cô gắn bó từ thời sinh viên, cho cô được tiếp xúc với lĩnh vực mình yêu thích, làm cùng ekip chuyên nghiệp.
"Hiện tại, tôi đã lập văn phòng riêng để nhận khách hàng của mình, tuy nhiên vẫn làm vị trí quản lý ở công ty vì nơi đây đãi ngộ tốt, đồng nghiệp thân thiết. Tôi cũng không thể phủ nhận danh tiếng khi là nhân sự của công ty này giúp tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn", Ngọc Diệp bày tỏ.
"Làm nhiều quá, tôi ít khi về quê thăm cha mẹ. Không ít lần tôi gặp sự cố khi nhiều dự án xếp chồng lên nhau, cảm thấy cô đơn, áp lực, nhưng chỉ biết nằm khóc một mình, tự dặn lòng kiếm tiền nhiều hơn để bù đắp cho cha mẹ sau", cô nói thêm.
Bên cạnh nghề nghiệp chính thức, nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng tìm đến “side hustle” (công việc phụ, nghề tay trái) nhằm có thêm thu nhập hoặc theo đuổi đam mê. Thậm chí, vài người cố gắng làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 vì thấy bạn bè, đồng nghiệp đang làm điều tương tự.
Họ có thể sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bán hàng online hoặc giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ.
Theo Indeed, có nhiều lợi ích khi làm việc 2 công việc. Ngoài lương tăng lên, bạn sẽ có được những kỹ năng mới, mở rộng các mối quan hệ. Tuy nhiên, làm nhiều nghề cũng mang lại thách thức, khó khăn chẳng hạn như duy trì một lối sống lành mạnh, thời gian cho bạn bè và gia đình.
Dưới đây là một số quan điểm có thể giúp bạn phát triển song song nhiều công việc trong khi vẫn cân bằng được cuộc sống.
Quản lý thời gian
Quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công cùng lúc 2 công việc. Trong đó, bạn nên:
Lập kế hoạch hàng ngày:Để tránh trường hợp quá tải, bạn nên sắp xếp thời gian cụ thể, lập bảng chi tiết những thứ ưu tiên. Bạn có thể lên phương án dự phòng nếu có điều bất trắc xảy ra.
Đơn giản hóa các công việc: Bạn cần đơn giản hóa các công việc hàng ngày khi làm 2 công việc. Ví dụ, thay vì phải lái xe đến phòng tập, bạn có thể chạy bộ tại nhà. Việc tích sẵn đồ ăn trong tủ lạnh cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian phải đi lại nhiều lần.
Thảo Ngân thừa nhận làm cùng lúc 2 công việc khiến cô nhiều lần kiệt sức.
Sàng lọc
Nếu quyết định nhận công việc thứ 2, bạn nên suy nghĩ kỹ về một số vấn đề sau:
Tài chính: Nhiều người muốn làm thêm để tăng thu nhập. Nếu đây là lý do của bạn, bạn có thể kiếm tiền bằng việc vận dụng các kỹ năng hiện tại của mình cho công việc thứ hai.
Kết hợp: Một giáo viên có thể mở lớp học cá nhân hoặc một nhà báo có thể làm việc như một nhà văn tự do, xuất bản sách, làm truyền thông. Nếu áp dụng các kỹ năng hiện tại cho công việc phụ, rất có thể bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với việc làm trái ngành.
Kỹ năng mới: Nếu động lực chính của bạn khi làm thêm việc là học các kỹ năng mới, hãy chọn một công việc phù hợp với sở thích và đam mê của bạn.
Khoảng cách: Việc làm thêm nên ở khu vực lân cận của bạn hoặc có thời gian hợp lý, tránh việc đi lại tốn kém và mất thời gian.
Quản lý tiền: Khi bạn đang kiếm thêm tiền, hãy lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Bạn có thể lập một ngân sách trong đó ghi các khoản thu, chi, phí phải gánh chịu vì công việc thứ 2 như xăng xe, ăn uống hoặc nộp thêm thuế.
Đảm bảo chất lượng công việc chính
Dù làm nhiều nghề, hãy chắc chắn nghề chính của bạn được đảm bảo đúng tiến độ. Đừng để vì làm nhiều việc mà khiến bạn giảm năng suất, hiệu quả việc chính. Điều này khiến bạn đánh mất sự tín nhiệm của sếp, thậm chí có thể bị sa thải.
Từ góc độ pháp lý, bạn phải đọc kỹ hợp đồng lao động của mình để hiểu những quyền lợi liên quan đến công việc thứ 2. Đa số công ty yêu cầu không được làm việc cho các đối thủ cạnh tranh.
Bạn phải thận trọng khi thông báo cho quản lý của mình về công việc phụ. Bằng cách này, bạn không cần phải lo lắng về việc mọi người phát hiện ra công việc thứ 2 của mình. Người quản lý của bạn thậm chí có thể sẽ ủng hộ bạn nếu thấy phù hợp.
Nguồn: zingnews.vn