Người giàu học cách sống hạnh phúc

Một trong những nghịch lý của xã hội hiện đại là càng giàu có hơn, nhiều người càng có mức độ kém hài lòng với cuộc sống hơn. Điều này dẫn đến sự bùng nổ của các khoa học đi tìm hạnh phúc cho người giàu.

Đức Anh, 42 tuổi, sống cùng vợ và hai con trong căn biệt thự rộng 300m2 tại một khu vực đắt giá ở Hà Nội mà trị giá mỗi căn nhà ở đây lên tới hàng chục tỷ đồng. Anh là giám đốc bán hàng cho một tập đoàn bất động sản, với thu nhập hàng tháng lên tới 300 triệu đồng, đủ cung cấp cho gia đình một cuộc sống trung lưu thoải mái, hai con học ở những trường tư thục danh tiếng. “Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h sáng, có khi kéo dài đến 3h sáng hôm sau với hàng chục cuộc họp, hàng trăm email, tin nhắn chờ trả lời. Vào những đợt cao điểm bán hàng, tôi có thể ở lại công ty hàng tuần, làm việc thâu đêm suốt sáng, thậm chí lễ thôi nôi con cũng không thể có mặt vì trùng với ngày ra mắt sản phẩm mới", anh kể.

Guồng quay công việc hối hả, danh tiếng đến từ một vị trí cấp cao, thu nhập mơ ước với một cuộc sống đủ đầy không thể khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn người đàn ông trung niên. “Mỗi sáng thức dậy, tôi luôn tự hỏi mình không biết bản thân đang sống vì cái gì? Tại sao tôi cứ phải gồng mình mệt mỏi làm việc như một cỗ máy như thế này? Tất cả chỉ là cơm, áo, gạo, tiền, hoàn toàn không có hạnh phúc, lý tưởng hay ý nghĩa gì. Điều này khiến tôi cảm thấy đau khổ", Đức Anh nói.

Doanh nhân Hal Steger. Ảnh: S.t

Sự trống rỗng, vô nghĩa của vị giám đốc người Việt Nam cũng tương tự như doanh nhân Hal Steger sống cùng vợ trong ngôi nhà trị giá hàng triệu USD bên bờ biển Thái Bình Dương, được tờ New York Times đề cập trong bài báo “Hội chứng người giàu khốn khổ" năm 2020. Tổng tài sản ròng của gia đình này vào khoảng 3,5 triệu USD và giả sử với mức lợi nhuận thu về 5% cho các khoản đầu tư, gia đình Steger có thể sống nhàn hạ đến cuối đời với thu nhập cố định 175.000 USD/tháng.

Trớ trêu thay, giàu có đến vậy doanh nhân Steger luôn bắt đầu ngày làm việc từ 7h sáng, 12 tiếng mỗi ngày và 10 tiếng vào cuối tuần. Đối với ông, vài triệu USD không có ý nghĩa là mấy. Người đàn ông này không có cảm giác thỏa mãn và hài lòng trên đống tài sản gấp hàng nghìn lần so với hàng tỷ người đang phải vật lộn với miếng ăn hàng ngày ở các nước nghèo.

Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu và câu chuyện thực tế cho thấy chúng ta sẽ không viên mãn và hạnh phúc hơn nếu chỉ giàu có và an toàn hơn. Năm 2019, tổ chức US General Social Survey tiết lộ tỷ lệ không hạnh phúc của người dân các nước phát triển cao hơn bao giờ hết trong lịch sử kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Báo cáo từ Gallup Global Emotions 2019 cho thấy stress, căng thẳng, lo lắng, tức giận toàn cầu tăng nhiều lần, theo đó 72% người Mỹ luôn trong tâm trạng cô độc. Theo tạp chí HBR, một nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ 40% người Mỹ cảm thấy hài lòng và tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Hơn hai năm đại dịch, hàng triệu người qua đời, hàng tỷ người bị sống trong vòng phong tỏa, bị tác động bởi suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, khiến tỷ lệ stress, trầm cảm, suy sụp sức khỏe tinh thần ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ, chứng kiến sự nở rộ của các lớp học tìm hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống. Một trong những khóa học hấp dẫn, mà người muốn tham gia phải rất cạnh tranh mới chiếm được một chỗ, là khóa học về quản lý hạnh phúc của trường kinh doanh Harvard. Học viên ở đây là những người đã tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng, phải trải qua các vòng lựa chọn hồ sơ - phỏng vấn gắt gao và hầu hết sẽ trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng khi hoàn thành chương trình.

Nguyên lý trung tâm của khóa học là: hạnh phúc là chìa khóa để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Tiến sĩ Arthur C. Brooks, một nhà khoa học xã hội người Mỹ, chủ nhiệm khóa học, khẳng định hạnh phúc không chỉ là sản phẩm của sự may rủi, gen di truyền hay hoàn cảnh sống mà còn là thói quen hướng đến bốn lĩnh vực chính: gia đình, bạn bè, công việc có ý nghĩa và niềm tin hoặc triết lý sống.

Theo ông Brooks, nhiều người đến nay vẫn cho rằng hạnh phúc gắn liền với các yếu tố vật chất, nghĩa là bạn có thu nhập cao hơn, căn nhà đẹp hơn, chiếc xe hiện đại hơn, những kỳ nghỉ hay những bữa tối nhà hàng, con cái học trường tư đắt đỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra yếu tố đạo đức, xã hội và tinh thần tác động đến hạnh phúc của chúng ta nhiều như những điều kiện vật chất. Có thể những người trong xã hội giàu có, hiện đại cũng phải chịu đựng sự xa lánh, cảm giác trống trải vô nghĩa, cho dù họ rất giàu có. Trong khi ông bà ta tuy nghèo khó hơn, nhưng lại cảm thấy viên mãn về cộng đồng, tôn giáo, duy trì sợi dây gắn kết với thiên nhiên. Một kết luận thú vị được tiến sĩ Brooks dẫn giải trong lớp học là tiền mang lại hạnh phúc nhưng chỉ đến một cái mốc nào đó và vượt qua cái mốc đó, nó lại gần như không có mấy giá trị.

Đối với những người bị mắc kẹt ở nấc thang kinh tế thấp nhất, nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc cảm thấy hạnh phúc hơn. Một cặp vợ chồng làm công nhân với tổng thu nhập 12 triệu/1 tháng, đang phải ở nhà thuê, con cái gửi về quê cho ông bà, nếu họ trúng số được 2 tỷ, số tiền đủ mua căn nhà, nuôi con ăn học 18 năm đến lúc trưởng thành, chắc hẳn họ sẽ vô cùng hạnh phúc. Với một giám đốc kinh doanh tập đoàn, lương 300 triệu/1 tháng, đột ngột được tăng lên 400-500 triệu, gần như chắc chắn hạnh phúc này sẽ không kéo dài và không tạo ra sự khác biệt lớn về tâm trạng. Họ có thể đổi từ chung cư cao cấp lên biệt thự, những kỳ nghỉ nước ngoài, nhưng dường như mọi thứ sẽ trở thành thông lệ và không có gì đặc biệt.

Ông bà ta tuy nghèo khó hơn, nhưng lại cảm thấy viên mãn về cộng đồng, tôn giáo, duy trì sợi dây gắn kết với thiên nhiên. Ảnh: S.t

Gia đình và cộng đồng dường như có tác động nhiều hơn với hạnh phúc của con người hơn là tiền bạc và sức khỏe. Những người có gia đình gắn kết, sống trong các cộng đồng gần gũi và hỗ trợ nhau thì hạnh phúc khá hơn nhiều những người có gia đình giàu có nhưng sống cô độc. Một trong những ví dụ điển hình cho nghịch lý này là cuộc sống của tộc người Amish ở Mỹ, với gần 300.000 người, hiện sinh sống rải rác ở các bang tại Mỹ như Pennsylvania, Ohio, Indiana, New York.

Họ thực hành một lối sống “tối giản”, khi từ chối mọi tiện nghi của nhân loại và trung thành với truyền thống từ cách đây hàng trăm năm như không dùng điện thoại, máy tính, ô tô, điện lưới, không nhà cao cửa rộng, thậm chí không dùng cả đèn pin. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đánh giá mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ trên thang điểm từ 1 đến 10, người Amish hài lòng với cuộc sống của họ như các thành viên của câu lạc bộ Forbes 400 - những người giàu nhất thế giới. Có nhiều cách để lý giải sự hài lòng và viên mãn của người Amish, đó là họ sống trong một cộng đồng gắn kết, gia đình hạnh phúc, nhiều đức tin tôn giáo, và khả năng tận hưởng cuộc sống với những thứ mà tiền không thể mua được.

Điều này tương tự như cuộc sống của người dân Roseto, gần thị trấn Bangor, bang Pennsylvania, được mô tả trong cuốn sách “Những người xuất chúng" của tác giả Malcolm Gladwell. Đây là một cộng đồng nhỏ gồm những người lao động nghèo, nhưng có mức độ sống hạnh phúc và tuổi thọ cao nhất nước Mỹ. Lý do người dân nơi đây có một đời sống cộng đồng gắn bó, khi họ có thể dừng lại thăm hỏi nhau, trò chuyện bằng tiếng Ý ngay trên đường phố, hay nấu nướng giúp nhau ngay trong vườn sau nhà. “Họ đã hiểu về hệ thống đại gia đình nâng đỡ cả cấu trúc xã hội của thị trấn. Họ chứng kiến các gia đình với ba thế hệ cùng chung sống yên ổn dưới một mái nhà cũng như các bậc ông bà được tôn kính đến thế nào. Họ để mắt tới đặc tính bình quân chủ nghĩa nổi bật của cộng đồng, ngăn cản những kẻ giàu có phô trương và giúp cho những người kém thành công che giấu bớt thất bại”, Malcolm Gladwell viết.

Như Đức Anh, một quyết định xin nghỉ việc đột ngột được anh đưa ra vào đầu năm nay, khi đã cảm thấy quá tải và bế tắc với sự nghiệp. “Sau khi nghỉ làm, tôi tham gia khóa tìm hạnh phúc và cân bằng cuộc sống", Anh kể. Trong khóa học kéo dài 3 tháng này, anh được các chuyên gia cho làm các bài trắc nghiệm tính cách và tham dự các buổi trị liệu tâm lý, để từ đó tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, các giá trị, nhu cầu và lý tưởng sống cốt lõi của bản thân. Ngoài ra, người đàn ông còn dành thời gian để học thiền, chánh niệm, vẽ tranh, tập thể dục và thiết lập lối sống cân bằng trong dinh dưỡng, ngủ nghỉ cũng như tập luyện. Thời gian buổi tối anh dành trọn cho vợ con khi cả nhà cùng tham gia các trò chơi hoặc xem phim, nấu ăn. “Tôi sẽ không ưu tiên tiền bạc trong sự nghiệp của mình. Nếu tôi hạnh phúc, điều đó sẽ đến”, Đức Anh nói về con đường sắp tới của mình.

Nguồn: antgct.cand.com.vn