Người trăn trở với trầm hương sạch

Ông Trương Thanh Khoan bên cây dó bầu đang tạo trầm mới khoảng 1 năm. Ảnh:M.Quân

Tuy nhiên, bản thân ông Khoan vẫn còn nhiều trăn trở với nghề làm trầm hương trên mảnh đất Tân Phú. Ông mong muốn không chỉ trầm hương của cá nhân mình mà tất cả người dân làm trầm tại Tân Phú được nhiều người biết đến với đặc trưng là sản phẩm trầm hương sạch.

* Cải tiến công nghệ làm tinh dầu trầm

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất trầm hương của ông Trương Thanh Khoan vào một buổi trưa nắng gắt, tại đây, 3 nồi chưng cất trầm hương đang hoạt động nhưng vẫn không làm tăng thêm độ nóng cho căn nhà vì các nồi chưng cất trầm hương bằng điện đều được ông Trương Thanh Khoan tự sáng tạo và đặt làm theo thiết kế riêng, có lớp cách nhiệt nên dù mỗi nồi trầm hương phải nấu liên tục trong 24 tiếng, nhiệt độ xung quanh vẫn không thay đổi.

Ông Trương Thanh Khoan cho biết, chế phẩm tạo trầm vi sinh, trong đó có bầy kiến xanh trong rừng được ông Khoan mang về nhà để thuần dưỡng nhằm lấy dịch tạo chế phẩm cho trầm đang được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền sáng chế trong 20 năm. Hiện tại, tinh dầu trầm của ông cũng được đối tác Hàn Quốc tạo nhãn hàng hóa cho thị trường Hàn Quốc. “Thời gian tới, các sản phẩm tinh dầu và nước cất từ nấu trầm sẽ được đóng gói, dán nhãn tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đối với đối tác Nhật Bản thì tôi vẫn cung cấp nguyên liệu thô. Có khá nhiều đoàn nước ngoài về tham quan và yêu cầu được cung cấp sản phẩm nhưng chúng tôi không thể làm vì còn nhiều hạn chế về nguồn nguyên liệu” - ông Khoan cho biết thêm.

Ông Khoan cho biết, mỗi ngày ông chưng cất 3 nồi trầm hương, mỗi nồi khoảng 30kg cây trầm tươi được xay vụn và cho vào nồi nấu trong 24 tiếng. Mỗi nồi trầm, ông Khoan thu về 4,8ml tinh dầu trầm (1ml tinh dầu trầm có giá từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng) và 120 lít nước cất (giá bán 50 ngàn đồng/lít). Để có được thiết bị sản xuất tinh dầu và nước cất từ trầm, ông Khoan phải cùng thợ tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ nồi nấu trầm vì phải bảo đảm lấy được tinh dầu trầm với số lượng nhiều nhất có thể.

Bên cạnh việc làm tinh dầu và nước cất từ trầm hương, ông Khoan còn chọn những cây có hình dáng đẹp để tạo ra sản phẩm trầm cảnh. Với những cây được chọn để làm trầm cảnh, sau khi lớp trầm trên cây được sủi ra, những người thợ lành nghề bắt đầu tạo dáng cho phần thân cây còn lại. Ông Khoan cho biết, để tạo nên trầm cảnh đẹp, đòi hỏi người thợ sủi và tạo dáng trầm phải có tay nghề cao.

Hiện tại, ông Khoan đang có 2 người thợ sủi và tạo dáng trầm hương được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen thợ giỏi. Đây là những người thợ do chính tay ông Khoan đào tạo. “Đặc điểm của cây trầm là không bị mối mọt, không thay đổi màu sắc. Đây cũng là điều khiến trầm hương sạch khác với các loại trầm được tạo từ hóa chất, với những cây trầm được tạo từ hóa chất chỉ sau một thời gian cây sẽ bị ố vàng, xuống sắc” - ông Khoan cho hay.

Với những sáng tạo của mình, hiện nay các sản phẩm về trầm hương của ông Khoan được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, ông đang cung cấp tinh dầu trầm và nước cất trầm cho các đối tác Hàn Quốc và Nhật bản. Tuy nhiên, do số lượng trầm còn hạn chế nên ông Khoan không dám ký hợp đồng cung cấp trầm hương với doanh nghiệp vì sợ không đủ hàng cung cấp.

* Phát triển trầm sạch

Vốn nổi tiếng với sáng chế cấy tạo trầm từ chế phẩm tạo trầm vi sinh, các sản phẩm trầm hương của ông Khoan được tin dùng và có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn. Ông Khoan hiện có khoảng 10 ngàn cây dó bầu đang cấy ghép trầm tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú và một số điểm tại tỉnh Bình Thuận.

Sản phẩm tinh dầu trầm hương. Ảnh:M.Quân

Trước nhu cầu về các sản phẩm trầm sạch trên thị trường, ông Khoan cho rằng cần phải có nguồn nguyên liệu ổn định và bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, điều kiện phát triển vùng nguyên liệu là cây dó bầu thực tế tại huyện Tân Phú không khó. Tuy nhiên, theo ông Khoan, cần phải kiểm tra và gửi giám định chất lượng trầm để bảo đảm trầm sạch. Vì theo ông Khoan, nếu để trầm hương được tạo từ hóa chất cung cấp ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, thì sản phẩm trầm hương do ông Khoan gầy dựng nhiều năm nay sẽ bị “vạ lây”, dẫn đến nguy cơ mất hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Chia sẻ về định hướng phát triển trầm hương trong tương lai, ông Khoan cho rằng: “Để có những sản phẩm trầm hương sạch, tôi dự định thời gian tới sẽ xin chủ trương thành lập hợp tác xã, tạo chuỗi liên kết trong quá trình tạo trầm, bảo đảm tất cả trầm hương khi tôi sử dụng, thu mua phải đúng chuẩn sạch, do tôi cung cấp chế phẩm tạo trầm cho các hộ dân cấy ghép, có như thế tôi mới chủ động được đầu vào của sản phẩm để tìm kiếm đối tác tạo đầu ra ổn định”.

Minh Quân

Nguồn: Báo Đồng Nai