Người trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp

Bỏ việc ngân hàng lương cao về trồng rau “5 không”

Trải qua thời gian làm nhân viên ngân hàng với mức lương đáng mơ ước nhưng đến năm 2015 anh Lê Quốc Hải (Bình Dương) đã quyết định nghỉ việc và bắt đầu công việc mới là trồng rau sạch trên diện tích đất nông nghiệp của mình. Số tiền tiết kiệm trong quá trình làm việc nhiều năm ở ngân hàng cộng với vay mượn thêm, anh đã sử dụng để mướn đất, xây nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động… hình thành trang trại trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Anh cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp trồng rau sạch công nghệ cao khó khăn nhất là do chưa có đầu ra, mối tiêu thụ như ở các cơ sở sản xuất rau lâu năm…”.

Mặc dù ngay từ ban đầu, trồng rau, tiêu thụ rau sạch hết sức khó khăn, nhưng vườn rau của anh Hải kiên quyết tuân thủ thực hành “5 không”. Đó là, không dùng phân hóa học, không dùng chất bảo quản, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các công đoạn như gieo giống, xuống giống, bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân hữu cơ… đều dùng phương pháp thủ công. Anh Hải trực tiếp làm và thuê mướn thêm nhân công phụ giúp.

Anh cho biết tổ liên kết của anh đã liên kết cung cấp cho 20 cửa hàng, 15 trường học, 2 công ty và 10 cơ quan trên địa bàn. Ngoài ra, anh Hải còn tận dụng ưu thế, thế mạnh của internet, mạng xã hội để bán rau sạch online với khoảng 1 tấn rau/tháng.

Hiện nay, mỗi ngày vườn rau sạch của anh Hải đang cung cấp khoảng 250kg rau các loại, giá ổn định là 20.000 - 30.000 đồng/kg. Như vậy một ngày thu nhập từ rau sạch của anh Hải khoảng trên 5 triệu đồng, một tháng doanh thu trên 150 triệu đồng, trừ chi phí mướn nhân công chăm sóc, phân bón, giống, điện nước… lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng.

Nuôi trùn quế công nghệ cao

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Đại học An Giang, anh Nguyễn Công Vinh đã có việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế sản xuất nông nghiệp sạch, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc nơi đô thị để về miền Tây khởi nghiệp.

Nhận thấy trùn quế là vật nuôi cải tạo môi trường tốt, anh Vinh dành nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu. Qua thông tin mà anh có được, nghề nuôi trùn quế đã có từ nhiều năm nay nhưng đại đa số người nuôi đều thất bại hoặc không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh có nhiều nguyên nhân như phân trùn kém chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, trại nuôi không có thị trường để liên kết bao tiêu đầu ra... Để khắc phục vấn đề này anh đã cùng bạn bè nghiên cứu kỹ lưỡng và lập cho mình một dự án nuôi trùn quế sạch, áp dụng công nghệ cao, hướng bao tiêu đầu ra.

Anh Vinh phân tích, bà con mình nuôi trùn quế thường cho ăn chất thải hữu cơ như phân bò, một vài trại có kết hợp men vi sinh nhưng hiệu quả không cao. Mỗi mét vuông nuôi trong ba tuần chỉ đạt khoảng 1 kg trùn thương phẩm.

Riêng công nghệ của anh Vinh rất khác biệt, anh sử dụng không chỉ phân bò, mà cả phế phẩm thực vật như rau quả dập hư, phân động vật, phế phẩm sau biogas… Qua xử lý bằng công nghệ Lignin anh thu được đạm thực vật. Từ đó lấy đạm nuôi trùn quế.

Trong quá trình nuôi anh sử dụng một loại men được nhập khẩu từ Israel để cho ăn, giúp trùn phát triển khỏe mạnh, hiệu suất chăn nuôi từ công nghệ này lên đến 2kg trùn sinh khối trên 1m2, gấp 2 lần phương pháp nuôi thông thường. Tính riêng trang trại ở Tiền Giang với 3.000m2 nuôi cho gần 6 tấn trùn thương phẩm.

Loại men đặc biệt này gồm 3 nguyên liệu từ Israel và mật mía đường của Việt Nam. Men được ủ trong hơn ba tuần mới cho ra sản phẩm dùng cho trùn ăn.

Với loại men này, phân trùn quế có chứa các chất đa trung vi lượng, axit amin. Đặc biệt là hệ vi sinh vật qua ruột trùn giúp cải tạo đất rất tốt. Một chi tiết rất đáng ý là phân trùn quế không chứa hàm lượng kim loại nặng như phân gà, rất phù hợp cho nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu. Vì vậy sản phẩm từ trang trại của anh Vinh được rất nhiều bà con đặt mua. Hàng sản xuất ra không đủ bán.

Với công nghệ nuôi của Israel, năng suất nuôi trùn quế từ trang trại của anh Vinh đạt gấp đôi so với phương pháp nuôi truyền thống.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng anh Vinh đã liên kết với hơn 200 hộ nông dân nuôi trùn quế ở khắp các tỉnh thành miền Tây. Anh còn mở thêm chi nhánh ở Hậu Giang, Long An, Tiền Giang với quy mô hàng chục ha mỗi trang trại. Anh dự kiến mở thêm trang trại quy mô 10 ha ở Bến Tre.

Hiện mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán trên 300 tấn phân trùn quế với giá từ 3.000-4.500đ/kg, trên 50 tấn trùn sinh khối với giá từ 10.000-15.000 đ/kg, 6 tấn trùn thịt với giá bán từ 50.000 đ/kg thu về trên 1,7 tỷ đồng, lãi ước tính trên 500 triệu đồng.

Về quê, trồng rau thủy canh

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kế toán và làm việc tại TP. Đà Nẵng một thời gian, cô gái trẻ Bùi Thị Thanh Sương nhận thấy nhu cầu rau sạch được người dân đặc biệt quan tâm. Từ đó cô quyết định bỏ phố về địa phương mình trồng rau thủy canh mà cô đã ấp ủ từ thời sinh viên.

Sau quá trình tìm hiểu và nhận thức rõ về thương hiệu rau sạch, Sương đã mạnh dạn vay mượn tiền từ người thân cộng thêm số tiền tích lũy được khoảng hơn 100 triệu đồng, cô đã thành lập Công ty TNHH MTV Vườn nhiệt đới Kapi và đầu tư hệ thống trồng rau bằng phương pháp thủy canh.

Tháng đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Bùi Thị Thanh Sương đã lãi hơn 10 triệu đồng từ trồng rau thủy canh. Tiếp đó, vườn rau thủy canh của cô phát triển khá tốt và cho thu nhập cao hơn. Cứ thế, cô lấy số tiền lãi lứa rau này để đầu tư thêm vào lứa rau khác và phát triển thêm diện tích trồng rau thủy canh.

“Khi bắt tay vào mô hình trồng rau thủy canh, mình đã không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Ba, má mình sợ con gái làm nông sẽ khổ. Tuy nhiên sau một thời gian dài thuyết phục, nhận thấy được sự quyết tâm của mình nên bố mẹ đã ủng hộ và giúp sức cho mình thực hiện ước mơ. Mặc dù việc trồng rau rất quen thuộc với truyền thống nghề nông của gia đình, nhưng mình phải luôn học tập thêm nhiều kiến thức nông nghiệp công nghệ cao…”, Bùi Thị Thanh Sương chia sẻ.

“Tổng diện tích canh tác của gia đình mình là hơn 1ha. Ngoài trồng rau bằng hệ thống thủy canh trên diện tích 1.000m2, diện tích còn lại mình vẫn trồng rau lang, rau muống, rau húng, rau càng cua, khổ qua, bí đao, bí đỏ,… Trung bình mỗi ngày mình cung cấp ra thị trường hơn 100kg rau củ các loại, mỗi tháng doanh thu trên 50 triệu đồng, trừ chi phí mình lãi trên 20 triệu đồng/tháng”, gái xinh Bùi Thị Thanh Sương cho hay.

Kỹ sư về quê nuôi cá Koi

Anh Vũ Văn Lực sinh ra và lớn lên tại thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Khoa kỹ thuật cơ khí, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên vào năm 2012, anh Lực được nhận vào làm việc tại Công ty xây dựng hàng không ACC (thuộc Bộ Quốc phòng) với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Học hành bài bản, công việc lương cao và ổn định là niềm vui không chỉ của riêng anh Lực mà còn là niềm tự hào của gia đình, làng xóm, những tưởng anh sẽ theo nghề kỹ sư suốt cuộc đời. Ai ngờ, đùng một cái, anh rẽ ngang, bỏ việc về quê nuôi cá cảnh.

Vậy là đầu năm 2017, anh Lực khăn gói về quê, mặc cho bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Mặc dù bị nhiều người phản đối, bàn tán xì xầm, cho là bị "chập mạch, ẩm ương" nhưng anh vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê, đi theo con đường mình đã chọn, về quê cùng gia đình xây dựng trang trại nuôi cá cảnh.

Nhận thấy, thời buổi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, đời sống ngày càng khá giả, Lực nhận định, nghề nuôi cá kiểng, nhất là ươm nuôi con cá chép Koi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nên anh Lực quyết tâm đầu tư công sức và tài chính để xây dựng mô hình nuôi cá chép Koi hiện đại, quy mô lớn.

Để có đất mở trang trại nuôi cá cảnh, anh Lực mạnh dạn thuê 10 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả của thôn Kỳ Sơn để cải tạo thành ao nuôi cá.

Sau khi đã có đất và nắm được kỹ thuật nuôi cá chép Koi trong tay, anh Lực bỏ ra hơn 50 triệu đồng để mua 5 vạn cá chép Koi giống về nuôi thử. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng con cá chép ngoại quốc có nguồn gốc từ Nhật Bản này phát triển rất tốt.

Sau khi nuôi cá chép Koi được một năm, đàn mỹ ngư của anh Lực cũng đến ngày "gả chồng", nhưng trớ trêu thay bán chẳng có mấy ai mua. Dù anh có đi rong ruổi khắp các đại lý cá cảnh ở thành phố Hải Phòng để chào hàng, nhưng kết quả cũng gần như bằng không.

Cá đẹp thì không bán được mà chi phí thức ăn mỗi ngày lại tăng. Dù lấy sạch tiền trong nhà và thậm chí đi vay mượn cũng không thể nuôi nổi đàn mỹ ngư mỗi ngày mỗi lớn, buộc anh phải mang cả sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng vay 300 triệu đồng lấy tiền để đổ xuống ao nuôi cá.

Sau khi vay được tiền để nuôi cá, anh Lực lại tiếp tục rong ruổi khắp nơi tìm đầu ra cho đàn cá Koi của mình. Ông trời cũng chẳng phụ công người chịu khó, dần dần, các mối bạn hàng cũng hình thành và việc tiêu thụ cá Koi ngày càng thuận lợi. Lứa cá chép Koi anh thả nuôi đầu tiên cũng có khách mua hết và tiếp tục đặt mua với số lượng lớn.

Anh Vũ Văn Lực cho biết, hiện cơ sở của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn cá chép Koi, mỗi kg cá chép Koi có giá trung bình 250.000 đồng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh lãi khoảng 500 triệu đồng.

Lực cho hay, trung bình một năm nuôi được 2 lứa cá Koi, mỗi lứa nuôi từ 4-5 tháng là cá đạt trọng lượng khoảng 400g, có thể xuất bán được. Cá Koi nuôi càng lâu và có trọng lượng càng lớn thì có giá trị kinh tế càng cao.

Dương Dương (T/h)

Nguồn: Báo Doanh Nhân Việt