Hàng loạt chuỗi nhà hàng ở Mỹ đang dần thu hẹp. Ít bàn ghế, quầy phục vụ, không nhân viên phục vụ mà thay vào đó là nơi vận hành cho dịch vụ giao nhận đồ ăn tại nhà.
Chopt Creative Salad vừa khai trương cửa hàng thứ 61 ở thành phố New York, Mỹ nhưng cửa hàng này rất khác biệt vì không có máy tính tiền hay bàn, ghế dành riêng cho thực khách.
Nhiều nhà hàng của chuỗi đồ ăn nhanh Chick-fil-A tại thành phố Nashville và Louisville cũng lâm vào cảnh tương tự bởi khách hàng của họ giờ chỉ mua đồ ăn theo hai cách: thanh toán trực tuyến trước để chọn giao hàng hoặc tự lấy tại cửa hàng.
Để thích hợp với xu thế này, nhà hàng này đã chuyển mình sang hình thức "bếp giao hàng" hay nói cách khác là trở thành điểm trung chuyển chính trong cơn bão giao nhận đồ ăn.
Nguồn ảnh: CNBC
Khách mua hàng trực tuyến đang là động lực tăng trưởng quan trọng với các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Dù Chopt đã có dịch vụ giao hàng ngay từ khi mới mở cửa cửa hàng đầu tiên, hơn 18 năm trước nhưng năm nay là lần đầu tiên họ chứng kiến mức doanh thu từ giao hàng đã chiếm hơn 50% doanh thu từ dịch vụ phục vụ đồ ăn tại bàn truyền thống.
Theo ước tính của ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, thị trường giao đồ ăn trực tuyến có thể tăng từ mức 35 tỷ USD trong năm 2018 lên 365 tỷ USD vào năm 2030.
Hàng loạt ứng dụng như Uber Eats, DoorDash và Grubhub đang làm thay đổi cục diện của ngành nhà hàng trị giá 863 tỷ USD của Mỹ. Sự phát triển của lĩnh vực giao món ăn đã thay đổi mối quan hệ của thực khách với các nhà hàng. Số ứng dụng phục vụ giao đồ ăn ngày càng cải thiện tốc độ và các tiện ích. Tất cả những yếu tố này vừa là sức ép, vừa là động lực thay đổi mô hình nhà hàng truyền thống. Bởi giờ đây, nhiều thực khách ngày càng quen thuộc với việc gọi món từ các nhà hàng mà chỉ cần biết ứng dụng nào là phù hợp nhất, đánh giá chất lượng là bao nhiêu sao hay thời gian giao hàng nhanh hay lâu.
Nguồn VTV