Nhân sự làm từ xa bị thiệt
Nhiều công ty cho rằng cơ hội thăng tiến sẽ dễ dàng hơn đối với nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng, hiện diện liên tục trước mặt cấp trên.
Các nhân viên của công ty kế toán Dixon Hughes Goodman (Mỹ) cho CEO Matt Snow thấy rằng mình có thể làm việc hiệu quả dù ở bất cứ đâu. Vì vậy, khi đại dịch lắng xuống, công ty này cho phép hầu hết nhân viên làm việc từ xa, chỉ cần lên văn phòng vào vài dịp cố định.
Tuy nhiên, vào tháng 6 này, Dixon Hughes Goodman sáp nhập với một công ty lớn hơn, nơi có các nhân viên luôn làm việc trực tiếp. Ông Matt Snow trở thành chủ tịch của doanh nghiệp kết hợp mang tên Forvis, trong khi 5.400 nhân viên tìm cách đối đầu với đồng nghiệp mới để tăng lương và phát triển.
Đây dường như là thời điểm để tất cả buộc phải quay trở lại văn phòng.
"Không cấp quản lý nào chỉ đến công ty một ngày mỗi tuần, tôi nghĩ mọi người đều hiểu điều đó", ông Snow nói trên WSJ, đồng thời lưu ý rằng nhân viên phải đánh đổi khoảng thời gian làm việc tại nhà nếu muốn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Nhiều công ty không thích thú khi nhân viên làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Taryn Elliott/Pexels.
Thành kiến gần gũi
CEO Elon Musk của Tesla nói với nhân viên của mình rằng "tối thiểu 40 giờ ở văn phòng mỗi tuần" là cách duy nhất để phát triển, hoặc thậm chí tồn tại ở công ty.
Lãnh đạo các công ty tài chính đình đám như Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan Chase cũng không giấu giếm sự chán ghét đối với làm việc tại nhà.
"Mặc dù làm việc từ xa có nhiều ưu thế, nhưng cấp quản lý không thể lãnh đạo thông qua màn hình", ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase viết trong lá thư cổ đông thường niên được công bố mới đây.
Theo các nhà nghiên cứu và huấn luyện viên nghề nghiệp, những người làm việc tại văn phòng có khả năng được chú ý và được khen thưởng nhiều hơn.
Nghiên cứu năm 2020 của các nhà nghiên cứu Học viện Bách khoa Rensselaer và Đại học Northeastern trên 400 nhân viên lĩnh vực công nghệ cho thấy nhóm nhân sự làm việc tại chỗ được tăng lương nhanh hơn, mặc cho họ làm cùng khối lượng công việc với nhân sự ở nhà.
Không những vậy, những nhân sự từ xa cũng nhận được ít chế độ phúc lợi hơn so với những đồng nghiệp thường xuyên hiện diện trước mặt sếp.
"Thành kiến gần gũi" khiến sếp thường ưu ái những nhân viên thường gặp mặt. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.
"Thành kiến gần gũi" - đây là thuật ngữ để nói về hiện tượng tâm lý này. Theo đó, con người có xu hướng ưu ái những người ở gần mình.
Rõ ràng, mọi người có thể ở nhà để hoàn thành công việc của mình với hiệu suất cao nhất và nhấn nút "giơ tay" trên ứng dụng Zoom. Nhưng tại văn phòng, một đồng nghiệp trò chuyện và đi uống nước sau giờ làm với sếp lại có nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp của mình.
Lợi thế khi hiện diện trước CEO
Tất nhiên, nhân sự vẫn có thể thăng tiến khi làm việc tại nhà, đặc biệt khi thị trường lao động đang eo hẹp và không phải ai cũng mong muốn hy sinh đời sống riêng tư để leo lên đỉnh cao sự nghiệp.
Nhưng theo WSJ, những nhân sự làm việc từ xa có thể dễ dàng bị loại bỏ nếu công ty có thay đổi về quản lý hoặc gặp khủng hoảng - điều mà các nhà kinh tế cho rằng rất dễ để xảy ra.
Những nhân viên làm việc từ xa dễ bị loại bỏ nếu công ty thay đổi quản lý. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.
Ông Bo Burch, người sáng lập công ty headhunter Human Capital Solutions ở New York, cho biết các doanh nghiệp đang săn lùng những nhà quản lý có thể điều hành nhóm nhân sự tại chỗ và từ xa.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp này không nhấn mạnh với ông Burch rằng phải tuyển chọn những người không mắc thành kiến gần gũi.
Thực tế cho thấy những người làm việc tại chỗ được hưởng vị thế đặc biệt hơn ngay cả tại các công ty cho phép nhân sự làm việc từ xa. Google, Facebook, Twitter và nhiều công ty khác đồng ý để nhân viên làm việc ở bất cứ đâu họ muốn, nhưng cảnh báo sẽ cắt giảm lương nếu người này ở quá xa hoặc di chuyển đến những thành phố có mức sống thấp.
Jonathan Johnson, CEO của "ông trùm" bán lẻ Overstock.com, đưa ra chính sách mời toàn thể nhân viên cùng ăn trưa vào thứ 3 hàng tuần tại trụ sở công ty (Midvale, Utah, Mỹ).
Sau 8 tháng phát động, tổng số nhân sự tham gia là 10 người.
"Hầu hết bữa trưa, tôi ngồi ăn bánh sandwich bơ đậu phộng một mình. Khi tôi 25 tuổi, nếu có cơ hội ăn sandwich với CEO, tôi chắc chắn sẽ ở đó", ông nói.
Ông Johnson nói rằng không ngại để phần lớn 1.500 nhân viên của mình làm việc tại nhà. Gần đây, Overstock đã thuê các giám đốc điều hành ở khu vực Austin và Cleveland để hỗ trợ lực lượng nhân sự đang sinh sống tại đây.
Nhưng khi được phóng viên hỏi liệu 10 người đã ăn trưa cùng ông có được cơ hội thăng tiến nào không, vị CEO trả lời: "Có, một chút đấy!".
Nguồn: zingnews.vn