Nhiều đại gia cầm cố cổ phiếu vay tiền ngân hàng

Ngoài FLC, Masan, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… đều là những doanh nghiệp thường xuyên sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng.

Bên cạnh các tài sản thường được sử dụng để thế chấp ngân hàng vay vốn như bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai, tiền gửi, các khoản phải thu… hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp thực hiện thế chấp tài sản là cổ phiếu để vay vốn ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC), ngoài các dự án bất động sản đang triển khai, doanh nghiệp này đang dùng lượng lớn cổ phiếu BAV do Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát hành để thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong đó, số cổ phần BAV này chủ yếu thuộc sở hữu của FLC và ông Trịnh Văn Quyết cùng vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp.

Thế chấp cổ phiếu doanh nghiệp

Cụ thể, tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng 18 triệu cổ phần BAV để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Sacombank theo số hợp đồng cầm cố tài sản 202126040365. Trong đó, giá trị lô cổ phần theo mệnh giá là 180 tỷ đồng và Sacombank đồng ý với mức giá xử lý là 8.500 đồng/cổ phần, tương ứng 153 tỷ.

Các tháng 5, 6, 7 và 10/2021 sau đó, ông Quyết tiếp tục thế chấp lần lượt 92 triệu; 57,5 triệu; 114,5 triệu và 114,3 triệu cổ phần BAV để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại nhà băng này.

Đến cuối năm 2021, Sacombank đang nhận thế chấp khoảng 57,5 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết để đảm bảo cho khoản vay gần 400 tỷ đồng có thời hạn 15 năm của FLC.

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 60 triệu cổ phần BAV cũng đang được thế chấp tại NCB để vay 200 tỷ đồng từ ngân hàng này. Trong đó, 30 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu của vợ chồng ông Quyết - bà Diệp và 30 triệu cổ phần BAV còn lại thuộc sở hữu của FLC.

Lượng lớn cổ phần BAV (Bamboo Airways) đang được FLC và ông Trịnh Văn Quyết thế chấp tại các ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại OCB, ngân hàng này cũng nhận thế chấp 5,06 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết và vợ, cùng 13 triệu cổ phần BAV của Tập đoàn FLC để bảo đảm cho khoản vay 108 tỷ của FLCHomes.

Thực tế, nghiệp vụ cầm cố cổ phiếu không mới tại thị trường Việt Nam, ngoài FLC và ông Trịnh Văn Quyết, hiện nhiều đại gia trên thị trường cũng đang cầm cố lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng.

Như tại Tập đoàn Masan, báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp này cho biết ngoài các tài sản cố định, hàng tồn kho, khoản phải thu ngắn hạn, tiền gửi ngân hàng… công ty cũng đang thế chấp 224 triệu cổ phiếu của một công ty con để vay vốn ngân hàng. Trong đó, các khoản vay có dư nợ đến cuối năm 2021 là 5.034 tỷ đồng, lãi suất 2,4-8,7%/năm.

Tương tự, các khoản vay ngân hàng dài hạn có tài sản đảm bảo với số dư 8.089 tỷ đồng, cũng được Masan dùng 15% vốn góp tại một công ty con và toàn bộ lợi ích liên quan làm một trong những tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, đến cuối năm 2021, Masan còn đang dùng tới 852,6 triệu cổ phiếu tại các công ty con để làm tài sản đảm bảo cho các khoản phát hành trái phiếu với số dư hơn 10.400 tỷ đồng, kỳ hạn 5-10 năm, thời gian đáo hạn chủ yếu trong giai đoạn 2024-2026.

- Một số khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai:

Tương tự, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng thường xuyên dùng cổ phiếu làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.

Đến cuối năm 2021, bầu Đức đang dùng 150 triệu cổ phiếu HAG để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay gần 500 tỷ đồng tại Sacombank. Bên cạnh đó, bầu Đức còn dùng hơn 44,9 triệu cổ phiếu HAG khác của mình làm tài sản thế chấp trong khoản phát hành trái phiếu 5.876 tỷ đồng tại BIDV. HAGL Group cũng dùng 13,3 triệu cổ phiếu HNG làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trái phiếu này.

Ngoài ra, bầu Đức đang dùng 50 triệu cổ phiếu HAG làm tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu 300 tỷ đồng do TPBank là trái chủ; HAGL Group cũng dùng 40 triệu cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) để đảm bảo phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu cho Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên.

Chỉ là tài sản bổ sung

Tại Hòa Phát, báo cáo tài chính quý IV/2021 của tập đoàn này ghi nhận một số khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp đang được thế chấp bằng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên trong HĐQT.

Trước đó, năm 2019, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng đã dùng 100 triệu cổ phiếu HPG sở hữu cá nhân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank.

Tương tự, Vingroup cũng cho biết tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ vay nợ của tập đoàn này đến cuối năm 2021 ngoài các sản phẩm hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, bất động sản… thì một số cổ phiếu được nắm giữ bởi Vingroup và các công ty con cũng được dùng làm tài sản thế chấp.

Cổ phiếu chủ yếu được dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn, hoặc là tài sản thế chấp bổ sung với các khoản vay dài hạn. Ảnh: Hoàng Hà.

Liên quan vấn đề ngân hàng cho vay cần cố chứng khoán, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng cho biết đây là nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng thương mại. Tương tự các hoạt động cho vay khác, hoạt động này cũng có tồn tại rủi ro và mức độ rủi ro cao hơn so với các tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị, bất động sản.

Tuy nhiên, vị này cho biết việc nhận cầm cố bằng cổ phiếu là quyền của các ngân hàng và về bản chất cổ phiếu cũng là tài sản, có giá trị thật. Các ngân hàng có quyền đánh giá tài sản này khi nhận thế chấp, và với đặc thù là tài sản biến động theo thị trường nên sự đánh giá cũng thận trọng hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cũng cho biết các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu chủ yếu được ngân hàng chấp nhận để bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho các khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp vay.

Với các khoản vay của FLC tại ngân hàng này, tài sản đảm bảo chính vẫn là bất động sản, có cổ phiếu nhưng chỉ chiếm phần nhỏ bổ sung.

Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của BAV (Bamboo Airways), tổng giám đốc ngân hàng cho biết hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà OCB nắm giữ với khoản vay của FLC vào khoảng 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với dư nợ. Vì vậy, khi rủi to xảy ra ngân hàng có thể thu hồi nợ thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo.

“Quan điểm của ngân hàng luôn là bất động sản mới là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung”, ông Tùng nhấn mạnh.

Nguồn: https://zingnews.vn/nhieu-dai-gia-cam-co-co-phieu-vay-tien-ngan-hang-post1306546.html