Nhiều người Nga không muốn tiêm vaccine ngừa Covid-19

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 12/9 cho biết đây là cách để chính quyền kiểm tra chuỗi cung ứng, nhằm bảo đảm hệ thống vận chuyển hoạt động đồng bộ. Ngoài việc kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine, vấn đề hậu cần, phân phối cũng đặc biệt được chú trọng.

Ông Murashko nói rằng Bộ Y tế Nga đã phát triển ứng dụng di động cho phép người thử nghiệm vaccine báo cáo tình trạng trong suốt quá trình. Theo hãng thông tấn TASS, danh sách những người tham gia tình nguyện tiêm vaccine bao gồm nhiều quan chức chính phủ, các chuyên gia nổi tiếng của Nga và cả con gái của Tổng thống Vladimir Putin.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Trường Đại học Kinh tế Moscow (HSE) vừa công bố cho thấy, có tới 43,4% người Nga được khảo sát không muốn tiêm vaccine, bất kể loại vaccine đó đến từ đâu, bởi họ cho rằng sự nguy hiểm của dịch bệnh đang bị phóng đại. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ 13,2% những người được hỏi muốn tiêm phòng càng sớm càng tốt, 4,6% muốn đợi một vài tháng. Trong khi số những người từ chối không muốn tiêm chủng chiếm gần 24,6%, một số khác muốn đợi kết quả của đợt tiêm vaccine đầu tiên.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc điều hành Cụm Y tế quốc tế Moscow (MIMC) Yaroslav Ashikhin cho hay: "Các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích rõ ràng cho mọi người tại sao không có sự bùng nổ dịch bệnh sau khi mở cửa biên giới. Trong khi một số nơi không xảy ra sự quá tải, khiến cho mọi người không cảm nhận rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh".

Cố vấn của Bộ trưởng Y tế Nga Sergey Glagolev mới đây nói rằng, việc tiêm phòng vaccine có thể sớm trở thành một trong những yêu cầu đối với du khách hay những người Nga về nước.

Vaccine Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya ở Moscow nghiên cứu, được Nga cấp phép từ tháng 8 và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới. 40.000 người đang tham gia thử nghiệm, trong đó 30.000 người được tiêm vaccine và 10.000 người tiêm giả dược.

Trước đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vaccine Sputnik V được thực hiện vào tháng 6 và 7, với sự tham gia của 76 tình nguyện viên, cho thấy 100% số người tham gia phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 không có tác dụng phụ nghiêm trọng.


Nguồn: Báo PetroTimes