Những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống kháng thuốc

Thông tin trên được PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết tại buổi họp báo về Quản Lý, sử dụng kháng sinh cho tương lai: Không lạm dụng-dùng sai chỉ định.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại: Là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển.

TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh-Bộ Y tế: Kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại. Ảnh: T.An

Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta;

Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.

Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.

Từ năm 2013, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp các Bộ, ngành và các đối tác phát triển, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và thu được các kết quả quan trọng: Đã tổ chức tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc hàng năm; Thiết lập, củng cố và phát triển hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia tại 16 BV trên cả nước; Xây dựng tài liệu về Hướng dẫn sử dụng kháng sinh và Hướng dẫn Quản lý kháng sinh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh giảm mạnh, góp phần giảm đáng kể tình trạng kháng kháng sinh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, kháng thuốc là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng khuyến khích tất cả mọi người-cán bộ y tế, người nông dân, đối tác từ ngành nông nghiệp, người bệnh, giới truyền thông, các nhà hoạch địch chính sách và tất nhiên là cả cộng đồng thực hiện phần việc của mình và chung tay giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích.

Phát biểu tại buổi họp báo, để ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng thuốc, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và Tiến sĩ Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng chống kháng thuốc.

“Trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) đã trở thành đối tác mới của chúng tôi để thực hiện việc giáo dục và khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý”, TS. Park cho biết.

“Kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho các bệnh truyền nhiễm ở động vật, do đó, việc người nông dân, người bán thuốc, ngay cả bác sĩ thú y nhận thức rõ hơn về những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là hết sức quan trọng. Việc này không chỉ để bảo vệ sức khỏe của động vật, con người mà còn để duy trì sự hiệu quả của kháng sinh trong việc điều trị các bệnh ở động vật. Việc tạo ra vật nuôi khỏe mạnh và năng suất cao là hoàn toàn có thể bằng cách áp dụng các biện pháp chăn nuối tốt, an toàn sinh học hiệu quả và có kế hoạch tiêm phòng tốt”, ông Lieberg cho biết.

Thịnh An

Nguồn: Báo PL&XH