Thương hiệu trà chanh theo chuỗi thu hút đông đảo thực khách, nhất là các bạn trẻ
Chuỗi hóa thức uống bình dân
Cái vị chát nhè nhẹ của trà búp quyện với vị chua dịu của chanh và vị ngọt của đường, mát lạnh của đá đưa đẩy nơi đầu lưỡi khiến người uống có cảm giác sảng khoái. Đó là lí do trà chanh từ lâu trở thành loại thức uống thu hút đông đảo thực khách, nhất là giới trẻ. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, trước đây, hàng loạt quán trà chanh vỉa hè mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư khiến các quán trà chanh vỉa hè luôn ở trong tình trạng quá tải, dịch vụ sơ sài cùng những lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo… Những hạn chế đó làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng nên các quán trà chanh vỉa hè dần thưa vắng khách, nhiều quán phải đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh hoặc lựa chọn công việc khác. “Cơn sốt” trà chanh vỉa hè theo đó mà “hạ nhiệt”.
Tưởng chừng như kinh doanh trà chanh đã “lỗi thời” thì trong những năm trở lại đây, hoạt động này bỗng rầm rộ quay trở lại và “lợi hại hơn xưa”. Là phiên bản nâng cấp của trà chanh vỉa hè nhưng thỏa mãn được các tiêu chí của khách hàng với giá cả hợp lí, chất lượng phục vụ cơ bản tốt, không gian mở, có thể thoải mái tụ tập, gặp gỡ, giao lưu bạn bè mà vẫn được “check-in sang chảnh”, hàng loạt các quán trà chanh kinh doanh theo mô hình chuỗi đua nhau “nở rộ”, thu hút một lượng khách không nhỏ. Em Nguyễn Minh Trang (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Không chỉ riêng em mà rất đông bạn bè của em đều là fan chính hiệu của trà chanh theo chuỗi. Vì vậy, mỗi lần có dịp tụ tập, gặp gỡ là chúng em đều rủ nhau đến đây. Đồ uống không quá đắt như trà sữa mà không gian thoải mái, nhiều đồ ăn vặt lại có thể vừa uống nước vừa hát hò, check-in kỉ niệm”. Cũng cùng sở thích, em Trần Văn Huy (thị trấn Bút Sơn, Hoằng Hóa) cho biết: “Chỉ tính riêng thị trấn Bút Sơn bây giờ cũng phải có đến 5 – 7 quán trà chanh mở ra rồi nên bọn em tha hồ mà lựa chọn. Với cá nhân em thì thích ghé qua quán nào đó rộng rãi, thoải mái, thoáng đãng một chút để có thể vui vẻ trò chuyện, đùa giỡn với bạn bè. Đương nhiên, tiêu chí nước uống ngon, đồ ăn vặt đa dạng, giá cả hợp lí vẫn phải được ưu tiên hàng đầu”.
Đi dọc các tuyến phố lớn của TP Thanh Hóa, thực khách có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt các thương hiệu trà chanh đang trở thành “hot trend” trên mạng xã hội, được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích như: Bụi Phố, Tmore, Bamboo… với nhiều cơ sở khác nhau. Không chỉ “nở rộ” ở khu vực thành thị, các thương hiệu trà chanh nổi tiếng này còn phát triển cơ sở tại các vùng thôn quê vốn tưởng chừng không phải là mảnh đất màu mỡ cho các mô hình kinh doanh thực phẩm theo chuỗi.
Đường rộng nhưng không dễ đi
Thực chất, mô hình kinh doanh theo chuỗi vốn đã không còn xa lạ gì đối với thị trường Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống với hàng loạt các thương hiệu, chuỗi cửa hàng sang trọng, thiết kế đẹp mặt, án ngữ tại các vị trí dễ thu hút thực khách. Cách thức triển khai thực hiện mô hình kinh doanh này sẽ là: Một cá nhân, tổ chức sau khi xây dựng thương hiệu thành công sẽ nhượng quyền thương hiệu cho những ai có nhu cầu kinh doanh cùng sản phẩm, cùng phát triển, nhân rộng mô hình tại khu vực mà họ mong muốn. Chỉ với mức giá chuyển nhượng khoảng vài chục triệu đồng, khi tham gia vào chuỗi, họ sẽ được hỗ trợ tối đa từ thiết kế xây dựng quán, công thức pha chế, quản lí nhân sự, truyền thông quảng cáo, nhập nguyên liệu với ưu đãi… nhằm đảm bảo cơ hội kinh doanh thành công ngay cả khi họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Các mô hình kinh doanh trà chanh theo chuỗi cũng không phải ngoại lệ. Hình thức kinh doanh này giúp nhanh chóng hình thành bộ nhận diện thương hiệu và dễ dàng gây được ấn tượng, thiện cảm với người tiêu dùng về sự uy tín, chuyên nghiệp thông qua việc nhất quán trong cách thức tổ chức, thái độ phục vụ, đa dạng các dịch vụ, chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó, nó thúc đẩy việc cạnh tranh lành mạnh giữa các thương hiệu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh trà chanh theo chuỗi này cũng có những hạn chế, thậm chí tồn tại những “cái bẫy” mà nếu thực sự muốn tham gia vào thì nên cân nhắc, tính toán một cách kĩ lưỡng.
Đường đường bắp được rao bán trên thị trường.
“Cái bẫy” đầu tiên đến từ chính quy luật tất yếu của thị trường, đó là quy luật cung – cầu. Nếu một khi cung vượt quá cầu thì thị trường trở nên bão hòa. Chạy theo “cơn sốt”, hàng loạt các thương hiệu và các quán trà chanh mở ra, trong khi nhu cầu của thị trường không bao giờ là bất biến sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “bão hòa”. Mặt khác, để có thể đủ tiêu chuẩn nhượng quyền và thu hút nhiều người tham gia chuyển nhượng, bản thân thương hiệu đó phải chứng tỏ được tiềm năng kinh doanh, sức hút… Sức ép từ việc chứng tỏ được tiềm năng kinh doanh, sức hút với khách hàng, vô hình chung rất dễ tạo nên môi trường cho các “giá trị ảo” xuất hiện. Một chủ cửa hàng trà chanh ngậm ngùi chia sẻ: “Đi đâu cũng nghe mấy anh chủ quán trà chanh của các thương hiệu nổi tiếng khoe tháng kiếm vài trăm triệu, có anh cao hứng còn nổ tơi bời tới hơn tỷ. Mình cũng là ông chủ kiêm nhân viên của một quán trà chanh mà chỉ biết im lặng. Hãi thật, đứa dính vào thì lo sống dở chết dở mà còn cứ dụ người không biết lao vào. Đổ tiền vào mua thương hiệu làm giàu cho những người đi trước.”.
Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh trà chanh theo chuỗi giống như “con dao hai lưỡi”, có thể nâng tầm thương hiệu nếu cơ sở nhận nhượng quyền vận hành tốt, tuân thủ thực hiện đúng các quy định và cam kết của chủ chuỗi. Tuy nhiên, chỉ cần một cơ sở không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả chuỗi. Trong khi đó, hệ thống cơ sở phân bố rải rác khắp nơi nên rất khó theo dõi, quản lý, đặc biệt là về giá cả, chất lượng dịch vụ và đồ ăn, đồ uống.
Hãy là những thực khách thông thái
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên liệu đơn giản nhất dùng để pha chế ra vị trà chanh truyền thống bao gồm: Trà búp + đường + nước cốt chanh. Trong vai người có nhu cầu mở quán bán trà chanh, chúng tôi liên hệ với một cửa hàng được xem như “trùm nguyên liệu Thanh Hóa” tại TP Thanh Hóa để nhờ hỗ trợ tư vấn các loại nguyên liệu chính để pha chế loại nước uống này. Người tư vấn của cửa hàng cho biết: Hiện nay, hầu hết các quán trà chanh đều sử dụng 2 loại trà phổ biến nhất để pha chế là trà nhài nhãn hiệu King có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Giá của loại trà này khoảng 165 nghìn đồng/kg (dao động theo giá thị trường). Mỗi 1kg trà nhài King ước lượng pha được khoảng 30 – 35 lít nước, trà sẽ đạt độ thơm ngon. Loại thứ hai là trà nhài 1 – Tea, gói 500g có giá khoảng 80 nghìn đồng/túi. Với loại trà này, mỗi gói 500g pha được khoảng 17 lít nước trà. Đường được các quán pha chế đồ uống nói chung và pha chế trà chanh nói riêng ưa chuộng sử dụng là loại đường nước, theo tem nhãn ghi trên sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, giá khoảng 425 nghìn đồng/1 hộp trọng lượng 25kg. Thực chất, đây là loại đường bắp cao phân tử (tên tiếng Anh là High Fructose Corn Syrup – HFCS), thường được gọi là đường ngô - một chất làm ngọt được tinh chế, tuy có độ ngọt cao gấp nhiều lần đường mía tinh luyện nhưng lại không hề có giá trị dinh dưỡng.
Đường hóa học – Loại đường được một số quán trà chanh chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe người tiêu dùng sử dụng để pha chế trà chanh kém chất lượng.
Thực tế cho thấy, không phải bất kì đồ ăn, thức uống nào của các cơ sở nhận nhượng quyền từ thương hiệu nổi tiếng cũng đều đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thị trường vẫn tồn tại một số quán vì chạy theo lợi nhuận mà sẵn sàng coi thường sức khỏe của người tiêu dùng, bất chấp sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng, các chất hóa học độc hại như: đường hóa học, bột chanh tinh luyện tạo độ chua, bột trà hoặc các loại trà, tinh dầu nhài không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ngoài ra, các nguyên liệu khác để làm nên một cốc trà chanh thơm ngon, mát lạnh như: đá viên, topping, nước dùng để pha trà… cũng rất khó để có thể kiểm soát được mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả tại các cơ sở nhượng quyền của thương hiệu nổi tiếng. Hơn thế, hầu hết các loại nước trà chỉ có lợi cho sức khỏe khi uống lúc mới được pha. Nước trà để lâu sẽ bị oxy hóa, sinh ra các loại chất có hại cho cơ thể con người.
Sự nở rộ của các mô hình kinh doanh trà chanh theo chuỗi là xu hướng tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mà mô hình kinh doanh này mang lại thì những người tham gia nên cân nhắc và suy tính kỹ lưỡng trước khi quyết định “ra vốn”. Đối với các thực khách nên tìm hiểu những địa điểm, cơ sở kinh doanh trà chanh có uy tín, có sự tin tưởng nhất định vào chất lượng sản phẩm; biết cân nhắc và đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình.