Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số: Quan trọng là khơi gợi nội lực

Câu chuyện phát triển bền vững đã không chỉ dừng lại ở chuyện cơm no áo ấm như giai đoạn trước, mà còn là câu chuyện phát triển bền vững về văn hóa, tiếng nói, vị thế của những người yếu thế,…

Một dự án với nhiều tham vọng

Bên lề lễ ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện dự án “Vươn Mình”, một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk do Care Quốc tế phối hợp cùng Cargill Việt Nam thực hiện, đại diện các bên đã có những chia sẻ về phát triển bền vững cho nông dân Việt Nam, đặc biệt là những người yếu thế.

Theo bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của Care Quốc tế tại Việt Nam, khi đã hỗ trợ được cho phụ nữ, những hỗ trợ ấy sẽ trực tiếp gắn với gia đình họ cũng như với một cộng đồng rộng lớn hơn.

Giai đoạn đầu của dự án sẽ là hỗ trợ mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ. Đây cũng là việc phụ nữ đã có kinh nghiệm, nhưng giờ đây dự án Vươn Mình sẽ nâng cao tính hiệu quả, khơi thông đầu ra cho sản phẩm, gắn kết thông tin một cách hiệu quả giúp họ vượt qua rào cản về ngôn ngữ.

Dự án sẽ phối hợp với các đối tác kỹ thuật ở địa phương để cùng đánh giá tổng thể thị trường, đầu ra của sản phẩm,... Từ đó có những thông tin hỗ trợ người dân có được lợi thế khi đàm phán với thương lái.

Cargill và Care mong muốn có được những đóng góp, chia sẻ rộng hơn với các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Với những bài học thành công và chưa thành công, dự án sẽ chia sẻ rộng hơn để chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thúc đẩy, lan tỏa cách làm hay.

Đó chính là điều Care và Cargill mong muốn chứ không chỉ nhìn vào tác động từ nguồn tiền 350.000 USD trong hai năm của dự án”, đại diện Care Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ.

Phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần phải khơi gợi được nội lực bên trong họ.

Hỗ trợ sao cho đúng cách

Tuy nhiên, bà Dung nhấn mạnh: Sự hỗ trợ của Cargill hay Care trong dự án này chỉ là một phần. Điều cốt yếu là khả năng tự tạo của cộng đồng.

Chúng tôi thúc đẩy nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số trong giai đoạn đầu, làm tăng khả năng tự tin và thực hành của họ. Chính quyền địa phương cũng sẽ là nhân tố giúp kết nối cộng đồng với những nguồn lực của thị trường”, bà Lê Kim Dung nói.

Việt Nam có 54 dân tộc, phụ nữ dân tộc thiểu số lại rất đa dạng, mỗi một dân tộc có truyền thống, văn hóa khác nhau. Câu chuyện phát triển bền vững đã không chỉ dừng lại ở chuyện cơm no áo ấm như giai đoạn trước, mà còn là câu chuyện phát triển bền vững về văn hóa, tiếng nói, vị thế của những người yếu thế,…

Bà Lê Kim Dung cho rằng ngoài việc tạo sinh kế để phụ nữ có thu nhập cao hơn, họ cũng cần được phát triển một cách tự tin vào bản sắc dân tộc của họ.

Bản sắc này không phải là thứ hình thức màu mè theo kiểu văn hóa sân khấu, mà nó phải xuất phát từ nội lực của họ. Đây chính là thách thức liên quan đến nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Dung chia sẻ.

Thực tế đã có những bài học không thành công trong quá khứ mà các tổ chức, trong đó có cả Care, gặp phải khi làm việc với cộng đồng. Bài học rút ra là không nên nóng vội dẫn đến người nọ dẫm lên lỗi của người kia. Chính phủ cũng ghi nhận điều này khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia mới, để không tạo ra sự ỷ lại của người dân.

Chúng tôi rất mong muốn khơi dậy tinh thần nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số. Để họ tự tin vào khác biệt họ có, văn hóa họ có, không nhất thiết cứ phải phát triển theo mô hình của người Kinh”, Trưởng đại diện Care Quốc tế tại Việt Nam khẳng định, đồng thời nhấn mạnh tất cả mọi người đều có sẵn nội lực, vấn đề là có khơi gợi được nội lực trong con người họ lên hay không.

Bên cạnh đó, bà Lê Kim Dung cho rằng sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Việc hợp tác với Cargill trong dự án Vươn Mình là một ví dụ cụ thể.

Bà Michelle Grogg (trái) và bà Lê Kim Dung trò chuyện cùng phóng viên.

Bà Michelle Grogg, Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ Cargill chia sẻ quann điểm: Việc đầu tư hỗ trợ phụ nữ cũng chính là đầu tư cho gia đình họ, gián tiếp đầu tư vào giáo dục cho con cái họ.

Về công việc cụ thể tại dự án Vươn Mình, Cargill sẽ đào tạo cho phụ nữ nông dân trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Thực ra đây là việc làm thường xuyên của Cargill đối với nông dân Việt Nam với mục tiêu đặt ra là đào tạo cho 10 triệu nông dân Việt Nam đến năm 2030, song song với mục tiêu xây dựng 150 trường học tại Việt Nam đến năm 2030.

Chắc chắn Vươn Mình sẽ giúp Cargill rút ra được những bài học để triển khai các dự án tiếp theo. Cũng giống như dự án này cũng được chúng tôi rút ra các bài học từ những dự án trước đó, dựa trên cả bài học thành công cũng như thất bại”, bà Michelle Grogg nói.

Nguồn: infonet.vietnamnet.vn