Phiên họp thứ 9: Có đáp án rõ ràng về vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ giải trình thỏa đáng, làm rõ thực trạng, có câu trả lời cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 9, sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV và kể từ phiên họp tháng 8/2019 đến nay.

Phiên chất vấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi và giám sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tiếp nối thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận, cử tri đồng tình, đánh giá cao; khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp và hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và các hoạt động của Quốc hội nói chung, bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trên cơ sở tình hình kinh tế-xã hội, thực tiễn đời sống của nhân dân, tổng hợp, đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 54 đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước, phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri về kinh tế-xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ tiêu chí về lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề cụ thể. Đó là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và nhóm vấn đề thuộc nhóm lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, quản lý Nhà nước, không chỉ tập trung vào 2 bộ quản lý trên mà còn liên quan đến các bộ, ngành khác; thời gian chất vấn không nhiều. Do đó, để đảm bảo hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào hai nội dung, gồm: việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành; việc thực hiện các vấn đề mới phát sinh có tính chất cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đặt câu hỏi trọng tâm, phản ánh đúng, trúng vấn đề thuộc phạm vi, nội dung chất vấn," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ được mời dự họp bố trí thời gian, sắp xếp công việc, đảm bảo tham dự đầy đủ phiên chất vấn, trừ những trường hợp bất khả kháng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh, vòng vo, làm rõ thực trạng, có câu trả lời, đáp án cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như định hướng lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình.

Về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, cơ bản được thực hiện như tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn trong khoảng 1 phút; Bộ trưởng sẽ trả lời mỗi một vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra trong khoảng 3 phút.

Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận để làm rõ thêm các nội dung chất vấn mà người trả lời chất vấn trả lời chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu với thời gian không quá 2 phút.

Các đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau để dành nhiều thời gian cho Bộ trưởng trả lời. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri, nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước...

"Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta có niềm tin vào sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và có những kinh nghiệm vững chắc để tiếp tục tổ chức các phiên chất vấn ở các kỳ họp tiếp theo," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương đã diễn ra, gồm tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan./.

Đại biểu dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hình ảnh Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/phien-hop-thu-9-co-dap-an-ro-rang-ve-van-de-cu-tri-nhan-dan-quan-tam/778394.vnp