Ghi nhận thực tế của PV VTC News trưa 25/2 tại khu phố người Hàn (khu phố 8, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM), đường phố, quán xá tại đây không còn nhộn nhịp như những ngày trước, thay vào đó là sự đìu hiu, ảm đạm. Nhiều quán ăn, tiệm massage tạm đóng cửa.
Tại đây, hầu hết các hàng quán ẩm thực, tạp hóa, massage... đều được in biển hiệu bằng tiếng Hàn. Thực đơn các quán ăn được chế biến theo khẩu vị của người Hàn Quốc, nhân viên các cửa hàng đều có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn. Đó cũng là lý do nơi đây được gọi là khu phố người Hàn.
Khu phố vốn sầm uất dành cho người Hàn, nay bỗng đìu hiu khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là các chủ hộ kinh doanh. Nguyên do của sự "xáo trộn" này là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng phức tạp và Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng thứ 2 về số ca nhiễm bệnh.
PV vào nhà hàng Papas' Chicken (biển hiệu được ghi bằng cả tiếng Vệt, tiếng Anh và tiếng Hàn) nằm ở vị trí đắc địa cạnh sân bay Tân Sơn Nhất (đầu đường Hậu Giang), không gian nhà hàng khá lớn, song chỉ một bàn có khách.
Theo quản lý nhà hàng, tình trạng này bắt đầu từ khoảng 3 ngày nay, cụ thể là từ lúc thông tin Covid-19 lây lan mạnh ở Hàn Quốc.
"Trước đây, doanh thu của nhà hàng đạt khoảng 13 triệu đồng/ngày, tuy nhiên 3 ngày nay giảm xuống chỉ còn 6 triệu đồng/ngày. Lượng khách đến nhà hàng thường ngày có khoảng 45% là người Hàn, nhưng giờ thực khách cả người Việt và người Hàn giảm đều như nhau", quản lý nhà hàng Papas' Chicken cho biết.
Tương tự, nhà hàng Hodori Korean Restaurant (chuyên các món thịt nướng Hà Quốc) cũng sụt giảm 40% doanh thu.
"Giờ này (12h - PV) lẽ ra là khách đông lắm, do mọi người nghỉ trưa và đến ăn trưa. Thế nhưng, hiện nhà hàng không có một bóng người. Tình hình này kéo dài thì chúng tôi cũng chưa biết xử lý thế nào, chắc phải cắt giảm bớt nhân viên, chứ trả lương cho nhân viên mà khách không có thì rất khó khăn", quản lý nhà hàng Hodori Korean Restaurant thở dài.
Đó là tình hình chung của hầu hết nhà hàng, quán ăn tại đây, những quán có chủ là người Hàn thì may mắn hơn, vẫn "cứu vãn" được vài khách "ruột". Song, các dịch vụ còn lại như khách sạn, massage... đang rơi vào thế "đứng ngồi không yên".
Chị Nguyễn Thị Tú Trinh (Công ty TNHH Y học cổ truyền Xoa bóp ấn huyệt Việt - Hàn) cho biết, lượng khách tới tiệm những ngày gần đây không thể dùng từ "sụt giảm", mà phải nói là "tê liệt".
"Cứ tình hình này tôi không biết xoay sở làm sao, nói tê liệt mới đúng, chứ sụt giảm đã mừng rồi. Tiệm của tôi 3 ngày không có một bóng khách. Trước đây, mỗi ngày tiệm tôi có khoảng 20 khách, nhưng giờ tình hình này thì tiền đâu trả nổi lương cho 5 nhân viên", chị Trinh lo lắng.
Theo chị Trinh, chị mở tiệm massage này đã nhiều năm, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, có khi phải tính "nước cuối" là tạm đóng cửa.
"Khách người Hàn không có, khách người Việt cũng không có một bóng luôn. Chắc người Hàn thì hạn chế ra ngoài, còn người Việt thì sợ lui tới khu phố này, do có quá nhiều người Hàn sinh sống, sợ bị lây nhiễm nên đề phòng", chị Trinh nói.
TP.HCM là một trong những địa phương có nguy cơ xâm nhập dịch bệnh Covid-19 từ Hàn Quốc do có số lượng lớn cộng đồng người Hàn làm việc và sinh sống. Theo đó, TP.HCM, hiện có khoảng gần 30.000 người Hàn, tập trung chủ yếu tại khu vực quận Tân Bình và quận 7.
Về phía Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất và tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp chưa từng có để đối phó dịch Covid-19 đang lây lan nghiêm trọng.