Phố Wall khép lại tháng Bảy với mức tăng 'rực rỡ'
Chứng khoán Phố Wall tăng khá mạnh trong phiên 29/7, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc tháng Bảy với mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2020.
Các giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo giới quan sát, các báo cáo thu nhập khả quan từ các công ty công nghệ lớn đã giúp cổ phiếu tăng giá trong khi giới đầu tư không để tâm quá nhiều tới một dấu hiệu khác về lạm phát tăng cao.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 315,50 điểm (tương đương 1%) và đóng cửa ở mức 32.845,13. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng tăng 57,86 điểm (1,4%) lên 4.130,29 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 228,09 điểm (1,9%) lên 12.390,69 điểm. Các chỉ số trên đều ghi nhận chuỗi tăng điểm ba phiên liên tiếp.
Các dự báo tích cực từ Apple Inc và Amazon.com Inc cho thấy khả năng phục hồi của các công ty khổng lồ để tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế, trong khi các công ty năng lượng khổng lồ Exxon Mobil và Chevron Corp công bố doanh thu kỷ lục vào thứ Sáu, được hỗ trợ bởi giá dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng mạnh.
Tuy nhiên, chi phí lao động của Mỹ tăng mạnh trong quý II do thị trường việc làm thắt chặt tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiền lương – một yếu tố có thể khiến lạm phát tăng cao. Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, cũng đã tăng 1,1% trong tháng trước.
Khi lạm phát phi mã và các ngân hàng trung ương nỗ lực tìm cách nâng lãi suất để kiểm soát giá tăng mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng, các thị trường rủi ro như chứng khoán có xu hướng phản ứng tích cực với bất kỳ sự dịch chuyển theo hướng ôn hòa nào trong tâm lý của các nhà hoạch định chính sách.
Sau khi báo cáo hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã "kém sắc" trong quý II/2022, chứng khoán đã tăng do các nhà giao dịch đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn. Trong khi đó, các con số kinh tế mới nhất của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào thứ Sáu đã vượt qua kỳ vọng, nhưng lo ngại suy thoái đang gia tăng khi lạm phát giá năng lượng tiếp tục ảnh hưởng đến các nền kinh tế khu vực.
Nhìn chung, chứng khoán Phố Wall đã có một tuần giao dịch khá thành công.
Trong phiên đầu tuần 25/7, thị trường chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều khi giới đầu tư giảm quan tâm đến các cổ phiếu công nghệ, giữa bối cảnh thị trường đang chờ đợi các động thái của ngân hàng trung ương và báo cáo kinh doanh của các công ty trong những ngày tới. Khép lại phiên này, Dow Jones tăng 0,3% lên 31.990,04 điểm, S&P 500 tăng 0,1% lên 3.966,84 điểm, trong khi Nasdaq lại giảm 0,4% xuống 11.782,67 điểm.
Sang phiên 26/7, chứng khoán Phố Wall sụt giảm do lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng sau khi Walmart giảm triển vọng kinh doanh. Việc niềm tin của người tiêu dùng tháng Bảy tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh trong tháng trước đó cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Phiên này, Dow Jones giảm 0,7% xuống 31.761,54 điểm. S&P 500 giảm 1,2% xuống 3.921,05 điểm, còn Nasdaq giảm 1,9% xuống 11.562,57 điểm.
Các chỉ số chính ở Mỹ đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch 27/7, sau khi Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp. Khép phiên này, Dow Jones tăng 1,4% lên 32.197,59 điểm. S&P 500 tăng 2,6% lên 4.023,61 điểm và Nasdaq tăng 4,1% lên 12.032,42 điểm.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ tiếp tục kéo dài sang phiên 28/7, khi dữ liệu về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm quý thứ hai liên tiếp khiến nhà đầu tư hy vọng sẽ kéo chậm đà tăng lãi suất. Khi đóng cửa, Dow Jones tăng 332,04 điểm lên 32.529,63 điểm. S&P 500 tiến 1,2% lên 4.072,43 điểm và Nasdaq ghi thêm gần 1,1% lên mức 12.162,59 điểm.
Với mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần 29/7, chỉ số Dow Jones đã tăng 3%, S&P 500 tiến 4,3% và Nasdaq tăng 4,7% trong cả tuần qua. Còn tính chung trong tháng Bảy, Dow Jones tăng 6,7%, S&P 500 tăng 9,1% và Nasdaq tăng 12,3%. Theo Dữ liệu thị trường Dow Jones, đây là tháng giao dịch tốt nhất của S&P 500 và Dow kể từ tháng 11/2020, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Mặc dù thị trường chứng khoán ghi nhận kết quả cuối tháng khả quan, ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management (Thụy Sỹ) cho biết các nhà đầu tư nên thận trọng. Theo ông, những khoản lợi rủi ro cho các chỉ số chứng khoán chủ chốt rộng sẽ suy giảm. Cổ phiếu đang được định giá theo kịch bản kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc 'hạ cánh mềm', nhưng nguy cơ hoạt động kinh tế sụt giảm sâu hơn sẽ tăng lên.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, các chiến lược gia của Viện đầu tư Wells Fargo (Mỹ) nhận định rằng thu nhập của tất cả các loại chứng khoán có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2022 và giảm xuống sau đó, khi nền kinh tế suy yếu, tăng trưởng doanh thu đình trệ và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Các thị trường tương lai hiện dự đoán rằng lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tháng 12 năm nay, thay vì tháng 6/2023. Ngoài ra, những nhà đầu tư trên thị trường này cũng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất gần 50 điểm cơ bản vào năm tới để hỗ trợ thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Trong một báo cáo ngắn mới nhất, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America (Mỹ) viết rằng hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ và GDP giảm đồng nghĩa với sự suy yếu không bền vững trong năng suất của nền kinh tế Mỹ. Họ cũng nhận định thị trường lao động sẽ sớm hạ nhiệt tăng trưởng và Fed có khả năng sẽ phản ứng chậm với một cuộc suy thoái kinh tế. Do đó, các nhà kinh tế của Bank of America cho rằng sự lạc quan của thị trường về Fed chuyển hướng ôn hòa đối với chính sách tiền tệ là quá sớm.
Nguồn: baotintuc.vn