Qantas 'cho không' Vietnam Airlines 30% cổ phần tại Pacific Airlines

Ông Tuấn cũng cho biết: "Hiện tại, việc đàm phán giữa 2 bên đã hoàn tất và đang báo cáo với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về vấn đề này. Dù là "tặng" với giá 0 đồng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ".

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Cường cho biết: Việc Qantas Group tặng hay "cho không" 30% cổ phần trong bối cảnh hiện nay cũng không quá quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng. Bởi lẽ cho dù chuyển giao hay không thì Vietnam Airlines vẫn nắm 70% vốn, như vậy, tính ra Nhà nước vẫn đang chiếm 59% vốn và giữ vai trò chi phối.

"Vì thế, việc đưa ra hỗ trợ Pacific Airlines tới đây là cần thiết khi Nhà nước đang nắm vai trò chủ sở hữu, hy vọng đó sẽ là tiền đề giúp hãng vượt qua khó khăn, trong bối cảnh hiện nay“, ông Cường nói.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện Pacific Airlines có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế. Nếu không xảy ra dịch bệnh, trong năm nay hãng này dự kiến nâng đội tàu bay lên 30 chiếc, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện này kế hoạch này chắc chắn sẽ phải lùi lại.

Pacific Airlines được thành lập ngày 15/6/1991, với tên gọi ban đầu là Pacific Airlines, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, dù 7 cổ đông góp vốn ban đầu đều là doanh nghiệp nhà nước.

Sau nhiều năm lỗ triền miên, năm 2018, Pacific Airlines đã báo lãi 34,3 tỷ đồng; năm 2019, theo số liệu kinh doanh 9 tháng đã được công bố, hãng này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 205 tỷ đồng. Dù vậy, số lỗ lũy kế khoảng 4.000 tỷ đồng.

Năm 2007, Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group (Qantas Airways) đã mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược, đồng thời đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines, với chiến lược phát triển hãng không giá rẻ.

Hãng này đã trải qua 2 lần tái cơ cấu vào các năm 2008 – sau khi Qantas tham gia góp vốn và chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ và năm 2012 – khi 68% vốn tại Jetstar Pacific được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao cho Vietnam Airlines.

Dù vậy, việc kinh doanh hàng không giá rẻ của Jetstar Pacific khá khó khăn, đặc biệt là chịu sự cạnh tranh khốc liệt sau khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn của Jetstar Pacific, hãng đã bắt tay cải tổ lại bộ máy, đội tàu bay, mạng đường bay… Tuy nhiên, do hạn chế là doanh nghiệp nhà nước, không thể mạnh tay rót vốn và chịu lỗ lớn trong vài năm để vực dậy Jetstar Pacific. Do đó, việc đầu tư sắm mới đội tàu bay, mở mạng đường bay cho Jetstar Pacific diễn ra từ từ, phải tới năm 2018 mới bắt đầu có lãi sau nhiều năm lỗ liên miên.

Đến tháng 7/2020, hãng đã đổi lại tên thành Pacific Airlines với bộ nhận diện thương hiệu mới.


Nguồn: Báo Vietnam Finance