Quán karaoke ở TP.HCM bán bún thịt nướng

Ngoài bún vào buổi sáng, quán còn bán các đồ ăn văn phòng như cơm, nui, mì và vài món nhậu lạ miệng. Đây là cách các nhân viên gắng gượng, chờ ngày được mở cửa trở lại.

Hai tuần nay, cứ khoảng 4-5h, Đinh Hoàng Thùy Dương và 3 nhân viên khác lại có mặt tại quán karaoke ICOOL trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận).

Họ chia ra một nửa sẽ đi lau dọn phòng ốc, vệ sinh thiết bị, kiểm tra chạy thử máy móc, trong khi những người còn lại nhận thực phẩm tươi sống được siêu thị giao đến, sơ chế và chuẩn bị dọn hàng bán bún thịt nướng.

"Karaoke chuyển sang bán bún thịt nướng, nhiều người sẽ không quen và thấy lạ. Nhưng thực tế, trước nay chúng tôi vẫn có đầu bếp và bán các món ăn nhẹ. Giờ karaoke chưa được mở, chúng tôi phải tìm cách gắng gượng. Chắc chắn không đủ để sinh lời nhưng phải vận hành để có sinh khí, có động lực cho nhân viên và khách hàng tin vào ngày trở lại", Thùy Dương, trưởng bộ phận kế toán của karaoke ICOOL, nói với Zing.

Vốn quen với công việc văn phòng, Thùy Dương giờ đây trở thành nhân viên bán bún thịt nướng tại quán karaoke.

Cạn kiệt nguồn lực

Thùy Dương cho biết trong một năm qua, giống như tất cả quán karaoke khác tại TP.HCM, ICOOL chỉ hoạt động chưa đến 2 tháng, trải qua 4 đợt đóng cửa vì dịch.

"Đợt mới nhất bắt đầu vào đầu tháng 5 và không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi hoàn toàn cạn kiệt, phải vay mượn rất nhiều".

Ngoài tiền thuê mặt bằng, hệ thống karaoke 18 cơ sở tại TP.HCM này phải lo tiền cho nhân viên trực chi nhánh, khối văn phòng (kế toán, hành chính nhân sự), bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc, chi phí điện nước…

Tháng 3 năm ngoái, trong đợt đóng cửa đầu tiên, ICOOL bắt đầu chuyển đổi sang bán thức ăn, song chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết hàng tồn.

"Lúc đó bị dừng hoạt động đột ngột, thực phẩm còn quá nhiều nên chúng tôi phải đem ra bán ở lề đường. Còn hiện tại, với kế hoạch lâu dài hơn, chúng tôi mở quán ăn trên các app giao đồ ăn và nhập hàng mới về bán theo ngày", Thùy Dương cho biết.

Nhiều người bất ngờ khi hệ thống karaoke ICOOL chuyển sang bán thức ăn mang đi.

Ngoài bún thịt nướng vào buổi sáng, quán karaoke này còn bán các đồ ăn văn phòng (cơm, nui, mì) và những món signature trước đây (sụn gà rang muối, tôm xóc muối Hong Kong).

"Trong giai đoạn khó khăn này, mọi người đều phải tiết kiệm hơn nên chúng tôi cũng cố gắng đưa ra mức giá hợp lý nhất. Nếu trước đây kết hợp với karaoke bán giá 10 thì giờ chỉ giảm xuống còn 3".

Thùy Dương cho biết trung bình mỗi ngày quán thu được từ 2,5-3 triệu đồng tiền bán thức ăn. "Mức này còn không đủ để trả tiền điện nước, lương cho nhân viên chứ chưa nói đến những thứ lớn lao như thuê mặt bằng hay sinh lời".

Tuy việc chuyển đổi chưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, quán karaoke này vẫn hy vọng động thái mở cửa, hoạt động lại của mình sẽ giúp nhân viên có thêm động lực.

"Trước đây toàn bộ hệ thống có gần 600 nhân viên. Họ không muốn bỏ nhưng cũng không thể chờ mãi, doanh nghiệp thì đã cạn kiệt không hỗ trợ được nhiều. Hơn nửa năm rồi, nếu cứ mãi đóng cửa, tất cả đều nản. Mọi người đều cần một tín hiệu gì đó tích cực để cố gắng".

Chuyển đổi để sống sót

Dù dịch vụ cắt tóc đã được phép hoạt động trở lại tại TP.HCM, ông Nhật (ngụ ở đường Hoa Sứ, quận Phú Nhuận) vẫn quyết định chuyển sang buôn bán rau củ quả.

"Tôi cũng định mở lại nhưng quy định chỉ hoạt động 50% công suất sẽ rất khó với những tiệm nhỏ. Như quán tôi có 4-5 ghế nay cho mở 2 ghế thì sao sống nổi".

Ông Nhật nói thêm với công suất đó chắc chắn không đủ để quán chi trả tiền mặt bằng 20 triệu/tháng. Cuối cùng, chủ tiệm quyết định giải tán thợ, đóng quán.

Vì sang mặt bằng thời điểm này quá khó khăn, gia đình ông Nhật phải nghĩ cách chuyển hướng kinh doanh tạm thời.

"Ban đầu, tôi tính mở hàng ăn nhưng mình không có nghề cũng chẳng rành công nghệ. Thế nên quyết định mở hàng rau rồi sau này sẽ bán tạp hóa, như vậy đơn giản hơn".

Hiện tại, hàng rau quả của ông Nhật bán được khoảng 600.000-1 triệu đồng/ngày: "Trước mắt chỉ hy vọng đủ để trả tiền thuê mặt bằng".

Gia đình ông Nhật tu sửa tiệm cắt tóc thành cửa hàng bán rau củ quả.

Không mặn mà với hình thức bán mang đi, nhiều quán nhậu ở TP.HCM cũng chuyển sang kinh doanh rau củ quả sau khi thành phố nới lỏng giãn cách.

Chị Đoan (37 tuổi, quê Gia Lai) vốn là nhân viên kế toán tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp). Tuy nhiên, hơn 4 tháng nay quán buộc phải đóng cửa theo quy định chống dịch khiến chị và nhiều người khác bị mất thu nhập.

Để hỗ trợ nhân viên, chủ quán nhậu đã cho chị Đoan và 3 nhân viên khác mượn mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh trái cây.

"Trước đây, lương mỗi tháng của tôi được khoảng 10 triệu đồng. Nhưng dịch bệnh rồi quán nghỉ bán, chúng tôi phải tự bươn chải thôi. May mắn vẫn được chủ cho mượn nhà để ở và bán hàng, cũng có đồng vô đồng ra".

Trong đợt giãn cách, cửa hàng chỉ bán online nhưng nhận được 30-40 đơn/ngày. Sau khi thành phố nới lỏng, các chợ truyền thống dần mở cửa, chị Đoan cho biết việc kinh doanh khó khăn hơn, trung bình mỗi ngày quán chỉ có 5-6 đơn.

"Mấy ngày nay có ngày bán được 200.000 đồng, 4 người lại chia nhau. Giờ phải ráng chờ đến khi hết dịch, quán mở cửa mới có công việc, thu nhập ổn định được", chị Đoan nói.

Quán nhậu trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) thành nơi bán trái cây.

Tương tự, tiệm cầm đồ Win Win (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) cũng không thể duy trì việc làm ăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước dịch, cửa tiệm này xếp đầy xe máy, bảo quản nhiều tài sản giá trị của khách hàng. Giờ đây, tiệm trở thành nơi bày biện hàng chục hộp xốp chứa rau, củ, quả, đón tiếp những người nội trợ đến mua thực phẩm phục vụ bữa cơm gia đình.

Vừa nhanh tay xếp rau vào túi nylon, anh Nguyễn Văn Tú (chủ tiệm) vừa cho biết gia đình mình đã phải tạm nghỉ hoạt động cầm đồ, sử dụng mặt bằng để bán rau, củ trong hơn 2 tháng qua nhằm kiếm thêm thu nhập.

“Do dịch bệnh, chúng tôi đành phải bán rau. Nhìn chung thu nhập từ công việc cũng khá, đủ để gia đình tôi trang trải cuộc sống trong giai đoạn giãn cách xã hội", anh Tú nói.

“Đây của cô 32.000 đồng, tôi lấy 30.000 thôi. Tặng thêm mấy trái ớt nhé" - dù mới làm công việc bán rau, anh Tú đã có thể thích nghi khá nhanh, dường như không gặp trở ngại gì khi tính tiền hoặc giao tiếp với khách hàng.

Tuy nhiên, anh chia sẻ vẫn muốn quay trở lại công việc như trước đây.

"Giờ chúng tôi vẫn sẽ duy trì việc bán rau, chưa biết khi nào sẽ cầm đồ trở lại. Chắc tôi phải xem xét tình hình dịch bệnh ra sao rồi mới quyết định được", anh cho hay.

Nguồn: Zing News