Rộ xu hướng không cần mua quần khi làm việc online mùa dịch

Tại nhiều chi nhánh của công ty bán lẻ Walmart, Mỹ, doanh số các loại áo sơ mi, áo phông có cổ, áo khoác... đang tăng dần, theo The Washington Post.

Kể từ khi nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà vì dịch Covid-19 và họp online, mọi người chỉ xuất hiện nửa thân trên trong màn hình khi làm việc. Vì vậy, việc mặc một chiếc quần chỉn chu như khi đi làm bình thường là không cần thiết.

"Khi mọi người bắt đầu sử dụng các phần mềm họp, làm việc online, doanh số bán các loại áo của chúng tôi tăng lên. Trong thời gian tới, hành vi này sẽ tiếp tục thay đổi khi mọi người quen với lối sống, làm việc mới này", Dan Bartlett, Phó chủ tịch mảng Sự vụ của Wallmart, nhận định.

Nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà vì dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Theo nhà tâm lý học thời trang Dawnn Karen, xu hướng mua nhiều áo hơn cũng liên quan đến việc người lao động muốn duy trì cảm giác chuyên nghiệp ngay khi làm việc ở nhà. Bên cạnh đó, họ có thể cảm thấy áp lực phải tăng năng suất làm việc, hoặc ít nhất là duy trì tác phong chỉn chu của mình.

"Nếu không thể mặc đồ như đi làm, bạn cảm thấy mình làm việc kém hiệu quả hơn hay thậm chí cảm thấy vô dụng, điều đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn", bà Karen nói.

Vì vậy, ngay cả khi đang mặc quần ngủ, mọi người đều muốn phần thân trên của mình vẫn phải thật lịch sự, chuyên nghiệp. Và thay vì mặc đi mặc lại những chiếc áo cũ, mọi người bắt đầu mua thêm nhiều áo mới hơn.

Nhiều người chỉ mặc lịch sự ở phần thân trên khi họp online với đồng nghiệp. Ảnh: Shutterstock.

"Về cốt lõi, đó là kết quả của việc mọi người muốn thể hiện với người khác rằng mình đang làm việc chăm chỉ và thoải mái khi tìm ra thói quen mới, dù không rõ sẽ kéo dài trong bao lâu", bà Karen cho biết.

Wendy Liebmann, Tổng giám đốc WSL Strategic Retail, nhận xét sẽ tới thời điểm mọi người quen dần với việc làm việc tại nhà và không còn chú ý quá nhiều đến trang phục khi xuất hiện online nữa.

"Mọi người sẽ dần nhận ra rằng không phải quần áo, mà là sự thoải mái, dễ chịu mới là thứ quyết định tốc độ hoàn thành công việc", bà Wendy Liebmann nhận định.

Mai An

Nguồn: Báo Zing