Số phận thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam dưới thời VinFast

General Motors (GM) vừa qua đã thông báo quyết định ngừng sản xuất và bán xe hơi tại Thái Lan, kế hoạch đã bắt đầu được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Đây được xem là động thái nằm trong kế hoạch tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu của GM, vừa để cắt giảm chi phí vừa tăng hiệu quả hoạt động khi dồn sức cho những thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, Nam Mỹ và Hàn Quốc…

Tại Việt Nam, thương hiệu Chevrolet chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng lớn bởi việc nhà máy của GM ở Thái Lan đóng cửa.

VinFast và câu chuyện Chevrolet ở Việt Nam

Năm 2018, GM Việt Nam đã nhượng lại nhà máy lắp ráp, chuyển giao hoạt động nhập khẩu và phân phối sản phẩm thương hiệu Chevrolet cho VinFast. Các mẫu xe của GM lắp ráp tại Việt Nam đều dừng sản xuất. Spark, Cruze, Orlando và Captiva đều đã dừng kinh doanh.

Hiện tại, Chevrolet Colorado và Trailblazer là 2 mẫu xe còn lại được VinFast nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về phân phối.

Năm 2019, VinFast bán được 996 xe Chevrolet Trailblazer và 1.654 chiếc Colorado tại Việt Nam. So với năm 2018, doanh số của bộ đôi này giảm lần lượt 42,5% và 57,8%.

Chevrolet Trailblazer và Colorado đang bán tại Việt Nam được sản xuất tại Thái Lan bởi GM. Ảnh: GM Thailand.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về động thái GM chuẩn bị rút khỏi Thái Lan và xa hơn là khu vực Đông Nam Á gây ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm, đại diện VinFast cho biết hãng đã xúc tiến làm việc với tập đoàn ôtô Mỹ để bàn bạc về tương lai của thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, VinFast không thể tự quyết định việc thay đổi kế hoạch sản xuất hay kinh doanh xe Chevrolet mà cần có sự đồng thuận của đối tác như các thỏa thuận đã được ký kết. Tạm thời 2 bên chỉ mới bắt đầu thảo luận và chưa rõ khi nào sẽ có quyết định cuối cùng.

Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn, VinFast sẽ không thể nhập khẩu ôtô từ Thái Lan khi nhà máy tại nước này đóng cửa. Hai kịch bản lúc này là VinFast sẽ nhập xe Chevrolet từ Trung Quốc, hoặc dừng kinh doanh hoàn toàn thương hiệu này tại Việt Nam để tập trung vào sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Phương án thứ hai nhiều khả năng sẽ được lựa chọn, khi mà VinFast đang sản xuất mẫu xe Fadil, vốn được mua bản quyền từ GM. Hãng xe Việt có thể mua thêm bản quyền các mẫu xe có tiềm năng bán chạy khác của GM và bán dưới thương hiệu VinFast.

Thái Lan ngừng kinh doanh nhưng duy trì hệ thống dịch vụ

Quay trở lại Thái Lan, kế hoạch dừng kinh doanh của GM tại Thái Lan được đưa ra sau khi nghiên cứu và phân tích số liệu hoạt động nhằm phân bổ các dự án mới cho trung tâm sản xuất ở Rayong một cách chi tiết.

GM đang triển khai các bước đàm phán để bán nhà máy sản xuất ôtô của mình tại tỉnh Rayong, Thái Lan cho hãng ôtô Trung Quốc - Great Wall Motors. Thương vụ mua bán giữa hai bên dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, và khi ấy GM sẽ ngừng sản xuất cũng như bán ôtô tại Thái Lan.

Bên trong nhà máy GM tại Rayong, Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost.

Ông Andy Dunstan - chủ tịch Marketing và Phân phối GM toàn cầu cho biết: “Việc sử dụng nguồn lực nhà máy thấp, dự báo sản lượng trong nước và xuất khẩu kém đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của GM Thái. Tuy nhiên GM vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành chất lượng xe, bảo trì và các dịch vụ khác nhau tiếp tục qua mạng lưới trung tâm dịch vụ”.

Andy nói thêm: "General Motors nhận thức rõ về tác động của quyết định này đối với nhân viên và đối tác. Chúng tôi cam kết đối xử công bằng và tôn trọng với nhân viên, đối tác và những người liên quan đến hoạt động kinh doanh trong suốt thời gian qua".

GM cũng khẳng định quyết định này không phản ánh khả năng của các nhà phân phối sản phẩm Chevrolet tại Thái Lan. Đối với người lao động, hãng xe Mỹ cũng hứa hẹn sẽ trợ cấp và bồi thường tổn thất cho nhân viên hãng tốt hơn cả luật định.

GM đặt chân vào Thái Lan vào 2000 với số vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Tại khu công nghiệp WHA Eastern Seaboard thuộc tỉnh Rayong, GM đã xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ với công suất 120.000 sản phẩm/năm và một nhà máy lắp ráp ôtô có sản lượng 180.000 xe/năm.

Việc duy trì hệ thống dịch vụ tại Thái Lan là cần thiết, nhằm phục vụ các khách hàng cũ vẫn trung thành với thương hiệu xe Mỹ. Ở Việt Nam, nhiều khả năng hệ thống dịch vụ của Chevrolet vẫn sẽ được VinFast duy trì.

Tái cơ cấu và rút lui hàng loạt

Trong một bài thuyết trình vào ngày 05/02/2020, Giám đốc tài chính của GM - Dhivya Suryadevara cho biết, việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh bên ngoài thị trường Trung Quốc sẽ giúp GM thu về 2 tỷ USD so với năm 2018.

Theo tính toán của các chuyên gia phân tích, chỉ riêng việc bán nhà máy sản xuất tại Rayong, Thái Lan cho công ty Great Wall, GM sẽ thu về 1,1 tỷ USD. Động thái này cũng cho thấy rằng, GM đang từng bước thu hẹp phạm vi hoạt động và có thể là rút hẳn khỏi thị trường Đông Nam Á.

Mẫu SUV Chevrolet Trailblazer sản xuất tại nhà máy GM Thái Lan. Ảnh: GM Thailand.

Trước đó, GM cũng đã từng bước tiến hành chiến lược rút lui khỏi tất cả các khu vực ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Từ năm 2017, GM đã rút lui khỏi Nam Phi và các nước khác tại châu Phi. Họ cũng dần dần rút khỏi Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ trong vài năm qua.

Mới đây nhất, tập đoàn ôtô Mỹ đã công bố việc giảm doanh số, thu nhỏ bộ phận thiết kế tại Úc và New Zealand. Thậm chí, GM quyết định "xóa sổ" thương hiệu ôtô lâu đời Holden và sẽ rút hoàn toàn việc kinh doanh khỏi Úc từ năm sau.

Trong phát biểu gần đây của Chủ tịch và Giám đốc điều hành GM, Mary Barra, GM dự định sẽ tập trung vào các thị trường phù hợp và tiềm năng để tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời ưu tiên phát triển xe điện và xe tự hành.

Rõ ràng trong bối cảnh thị trường ô tô đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc rút khỏi các thị trường không thành công được cho là bước đi cần thiết nhằm cắt giảm chi phí và tăng khả năng "sống sót" của GM.

Hoàng Tuấn

Nguồn: Báo Zing