'Socola đắng' - Thực trạng lao động trẻ em ở Tây Phi

Karim Bakary, 16 tuổi, đến từ Burkina Faso tại nơi nghỉ thiếu tiện nghi gần trang trại cacao. (Washington Post).

Cậu bé lớn nhất tên là Abou, chưa quá 15 tuổi. Cậu bé nhỏ nhất ở tuổi 13. Chúng đã tới Bờ Biển Ngà nhiều tháng hoặc nhiều năm trước từ Burkina Faso - một nước láng giềng Tây Phi nghèo đói.

Có hàng trăm ngàn trang trại cacao đã mọc lên ở Bờ Biển Ngà, biến đất nước này thành nguồn cung cacao quan trọng nhất của ngành sản xuất sôcôla trên toàn thế giới. Cũng từ đây, tệ nạn cưỡng bức lao động trẻ em đã nảy nở và đang tiếp tục lan tràn, cho dù các hãng sản xuất sôcôla hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ xóa bỏ điều này từ 20 năm về trước.

Abou bị đau lưng, và lúc nào cũng thấy đói.

“Cháu tới đây để được đi học”, Abou nói. “Nhưng đã năm năm rồi cháu vẫn chưa được đến trường”.

Những đứa trẻ Burkina Faso nghỉ tay sau giờ làm việc. (Ảnh: Washington Post).

20 năm và một mục tiêu chưa thể đạt được

Khoảng hai phần ba lượng bột cacao của thế giới đến từ Tây Phi, nơi có tới 2 triệu trẻ em đang tham gia vào những phần việc nguy hiểm trong ngành trồng cacao.

Dưới áp lực từ nghị viện Hoa Kỳ, năm 2001, một số hãng sản xuất sôcôla hàng đầu thế giới đã ký một bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất còn tồn tại trong các trang trại cung cấp nguyên liệu cho họ tại Tây Phi. Thời hạn đặt ra để hoàn thành mục tiêu này là bốn năm.

Abou Ouedrago, 15 tuổi, một cậu bé Burkina Faso đang phải làm việc cực nhọc tại các trang trại cacao thay vì đi học. (Ảnh: Washington Post).

Mục tiêu này đã không thể đạt được vào năm 2005 cũng như các thời hạn được đặt ra tiếp sau đó là 2008 và 2010. Thời hạn mới nhất được đặt ra là năm 2020 tới. Nhưng khi được hỏi, người phát ngôn của các hãng sôcôla hàng đầu là Hershey, Mars và Nestle đều không thể đảm bảo rằng họ sử dụng nguyên liệu không phải do bóc lột sức lao động trẻ em mà có.

Không chỉ liên tục lỡ thời hạn, ngành sôcôla còn phải hạ thấp các mục tiêu của mình. Nếu như ban đầu, mục tiêu đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại các trang trại cacao ở Tây Phi, thì hiện tại, mục tiêu đặt ra cho năm 2020 tới chỉ còn là 70%.

Những đứa trẻ rời trang trại cacao sau giờ làm việc. (Ảnh: Washington Post).

Một nguyên nhân hàng đầu của thất bại này là do sau 20 năm cam kết sẽ xóa bỏ lao động trẻ em, các hãng sôcôla vẫn lúng túng không thể nắm được cặn kẽ nguồn gốc nguyên liệu họ sử dụng. Hãng Mars, nhà sản xuất kẹo M&M và Milky Way, chỉ có thể truy xuất nguồn gốc 24% lượng nguyên liệu; Hershey, hãng sản xuất kẹo Kisses và Reese’s, truy xuất được chưa đầy 50%; Nestle cũng chỉ truy xuất được 49% lượng nguyên liệu của mình.

Ông Timothy McCoy, Phó Chủ tịch Quỹ Cacao Thế giới cho biết, khi các hãng sôcôla ký cam kết năm 2001, họ đã không đánh giá hết quy mô tình trạng bóc lột lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng cacao và cách thức để giải quyết tình trạng này. Những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất trong các trang trại cacao Tây Phi cũng khá nửa vời. Toàn bộ ngành sôcôla có doanh số vào khoảng 103 tỷ USD mỗi năm, nhưng trong suốt 18 năm qua chỉ bỏ ra chưa đầy 150 triệu USD để giải quyết vấn đề này.

“Các công ty chỉ hành động vừa đủ để có thể đối phó với dư luận và giới truyền thông”, ông Antonie Fountain - giám đốc tổ chức chống lao động trẻ em trong ngành cacao có tên Voice Network, nhận định. “Họ làm quá ít và quá muộn. Trước vậy và bây giờ vẫn vậy”.

Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, phần lớn trong số 2 triệu lao động trẻ em của ngành sản xuất cacao ở Tây Phi đang sống và làm việc trên trang trại của chính gia đình mình, tham gia vào nhiều phần công việc nguy hiểm như thu hoạch bằng mã tấu, mang vác nặng, bơm phun thuốc trừ sâu. Đây là những loại công việc được xếp trong danh mục các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Những đứa trẻ còn lại được các tổ chức buôn người đưa đến từ các nước láng giềng với Bờ Biển Ngà. Chúng phải sống và làm việc trong điều kiện cực khổ. Theo khảo sát thực hiện năm 2018 của Đại học Tulane, có ít nhất 16.000 trẻ em, chủ yếu đến từ Burkina Faso và Mali, đang trong tình cảnh như vậy.

Thảm cảnh lao động trẻ em nhập cư

Ngay khi đặt chân tới các trang trại cacao ở Bờ Biển Ngà, trẻ nhập cư phải tham gia vào những công việc nặng nhọc như khai hoang, phun rải thuốc sâu hoặc mang vác những bao tải cacao tặng tới 50 kg.

Abou và bốn người bạn đồng hương của mình đang trong tình cảnh như vậy. Năm đứa trẻ làm việc quần quật cả ngày, sống chui rúc trong những túp lều xiêu vẹo trong rừng và uống thứ nước đục ngầu từ một cái ao gần đó. Khi có một đứa trẻ bị ốm, chúng gom góp tiền lại để đi mua thuốc cho bạn. Cả 5 cậu bé đều không được đi học, và đã rất lâu không được về thăm gia đình.

Aboudnamune là cậu bé có vẻ ngoài buồn bã nhất. Cậu tới Bờ Biển Ngà hai năm về trước, khi mới 11 tuổi. Aboudnamune rất kiệm lời, và thường ngồi và phóng tầm mắt vào khoảng không vô định.

“Cuộc sống ở đây khá vất vả”, cậu bé nói. “Chúng cháu luôn bị đói và kiếm được rất ít tiền”.

Người chủ trang trại cho biết, mức lương của mỗi cậu bé là 9 USD mỗi tuần và được trả cho người bảo kê. Người này sẽ đưa lại cho những đứa trẻ chỉ khoảng một nửa số tiền đó. Ông chủ trang trại biết rằng những đứa trẻ đang bị bóc lột, nhưng vẫn buộc phải thuê chúng vì thiếu nhân công.

“Tôi thừa nhận rằng đây là một dạng nô dịch”, người chủ trang trại cho biết. “Chúng vẫn còn là những đứa trẻ và có quyền được học hành. Nhưng chúng bị đưa tới đây, và bị đám bảo kê bóc lột tiền lương”.

Một khảo sát khác của Đại học Tulane tiến hành năm 2009 dựa trên phỏng vấn với 600 người trang trại cacao cho thấy thực trạng u ám của lao động trẻ em nhập cư trên các đồn điền cacao ở Bờ Biển Ngà. Những đứa trẻ thường bị các tổ chức buôn người dẫn dụ tới Bờ Biển Ngà bằng tiền hoặc hiện vật. Tại đây, có tới 50% lao động trẻ em không được về nhà, và có tới hai phần ba bị đe dọa hoặc bạo hành thể chất. Nhiều đứa trẻ thậm chí không nhận được tiền lương.

Chứng nhận tiêu chuẩn đạo đức sản phẩm

Do không thể thiết lập một hệ thống hiệu quả để giám sát tình trạng lao động trẻ em, các hãng sôcôla đang có xu hướng tìm đến các tổ chức thứ ba để giải quyết vấn đề này.

Ba tổ chức phi lợi nhuận là Fairtrade, Utz và Rainforest Alliance cung cấp dịch vụ giám sát hoạt động của trang trại và dán nhãn chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn đạo đức của các tổ chức này, trong đó có tiêu chuẩn không sử dụng lao động trẻ em.

Trong một thập kỷ qua, các hãng sôcôla đã cam kết sẽ ưu tiên mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp được chứng nhận bởi ba tổ chức nói trên. Mars đang mua khoảng một nửa bột cacao từ các nguồn được chứng nhận, tỉ lệ này ở Hershey là 80%. Cacao từ các nhà cung cấp được chứng nhận được mua với giá cao hơn 10% so với thị trường.

Tuy nhiên, một số hãng cũng thừa nhận rằng nỗ lực này chưa đủ để giải quyết thách thức lao động trẻ em. Việc giám sát hoạt động của các trang trại diễn ra thưa thớt và dễ đối phó, khiến cho nhãn dán chứng nhận tiêu chuẩn đạo đức chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng diễn ra trên các trang trại. Các cuộc kiểm tra thường được thông báo trước, và tỉ lệ trang trại được kiểm tra không quá 10% mỗi năm.

Ba tổ chức chứng nhận nói trên cũng thừa nhận rằng nhãn dán của họ là công cụ chưa hoàn chỉnh, và còn cần nhiều nỗ lực để đưa ra được những cách thưc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các tổ chức này cho rằng giải pháp cốt lõi vẫn ở việc cacao phải được mua với giá tương xứng với sức lao động bỏ ra trên các trang trại.

“Món quà không ai thật sự cần đến”

“Lao động trẻ em trong ngành cacao sẽ tiếp tục là một thách thức chừng nào các hãng sôcôla còn trả giá rẻ mạt, không đủ để duy trì sản xuất bền vững”, ông Bryan Lew, giám đốc điều hành tổ chức Fairtrade tại Mỹ cho biết.

Một đứa trẻ trên đường tới nông trường cacao. Washington Post

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với quan điểm rằng việc trả giá cao hơn để mua cacao chính là cách thức nhanh nhất để xóa bỏ tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em. Khi thu nhập được cải thiện, người nông dân thoát khỏi đói nghèo và có điều kiện cho con em mình đến trường, và họ cũng không còn phải tìm đến nguồn lao động rẻ mạt từ trẻ em các nước khác.

Tony’s Chocolonely, một công ty sản xuất sôcôla nhỏ ở Hà Lan, đang tiên phong thực hiện điều này. Tony’s Chocolonely tình nguyện nhập nguyên liệu với giá cao hơn 40% so với thị trường nhằm đảm bảo rằng người lao động tại trang trại có mức lương đủ sống.

Ông Paul Schoenmakers, một lãnh đạo của Tony’s Chocolonely cho biết, việc trả giá nguyên liệu cao hơn 40% cũng chỉ làm tăng chưa tới 10% giá thành của các thanh sôcôla thành phẩm. Tuy nhiên, các nhãn hàng sôcôla lớn hơn có thể sẽ e ngại mất đi lợi thế cạnh tranh trước đối thủ nếu thực hiện điều này.

“Chẳng có cuốn sách giáo khoa về kinh tế nào lại dạy trả giá nguyên liệu cao hơn là điều nên làm cả”, ông Schoenmakers nói.

Quỹ Cacao Thế giới cho rằng, nỗ lực của Tony Chocolonely mới là thử nghiệm, và chưa đủ để chứng minh hiệu quả trong thực tế.

“Tony chỉ nhập 7.000 tấn cacao, đây là một lượng rất nhỏ. Ở quy mô lớn hơn thì cách này có khả thi không?” Phó Chủ tịch Quỹ Cacao Thế giới McCoy đặt câu hỏi. “Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa có câu trả lời”.

Nhưng với Tony’s Chocolonely, đây không phải một câu hỏi quá khó. “Không ai cần đến sôcôla cả”, ông Schoenmakers nói. “Sôcôla chỉ là một món quà mà bạn tặng người khác hoặc chính bản thân mình. Chúng tôi cho rằng thật điên rồ khi chỉ vì một món quà mà không ai thực sự cần tới, lại có quá nhiều người khác phải khốn khổ”.

Minh Châu

Nguồn: Báo Ngày Nay