Nhiều ngân hàng có kế hoạch niêm yết
Dòng cổ phiếu ngân hàng có tính chu kỳ mạnh và rất nhạy cảm với các chính sách vĩ mô. Do vậy, khi đánh giá cần theo sát các chính sách vĩ mô và những câu chuyện tác động thế nào đến dòng cổ phiếu vua này. Đến tháng 6/2019, có thể thấy, ngành ngân hàng cũng như cổ phiếu khối này bị tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố.
Do kênh tín dụng ngân hàng bị siết nên các DN bất động sản cũng phải rục rịch tìm kiếm những kênh huy động vốn khác để tiếp tục các dự án của mình. Điển hình như VIC, DXG hay HDG là những DN bất động sản rất nhanh nhạy trong việc phát hành trái phiếu để tài trợ cho dòng tiền đang bị thiếu hụt của mình, trong khi các DN bất động sản vừa và nhỏ khó hơn trong việc huy động vốn do chưa đủ uy tín. Đối tượng khách hàng đem lại nguồn thu nhập chính cho ngân hàng là các công ty xây dựng bất động sản nên rất có thể lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng thời gian tới.
Đầu tiên phải kể đến, cơ cấu và tăng trưởng tín dụng nước ta hiện nay tập trung khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Tín dụng bất động sản hiện chiếm 30% tổng dư nợ tín dụng bao gồm cả mục đích kinh doanh và sử dụng. Tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 25,1% tổng dư nợ và lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 20%. Tính chất của lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và mang tính đầu cơ cao nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có những động thái siết chặt lại dòng vốn vào lĩnh vực này. Cụ thể, cơ quan này quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% về 40%. Theo đó, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, nâng lãi suất huy động lên 7 - 8%/năm kéo theo lãi suất cho vay bất động sản cũng cao hơn.
Thứ hai, theo quy định mới nhất của NHNN thì không cho phép trì hoãn việc đưa các ngân hàng thương mại còn lại niêm yết lên sàn. Hiện tại, mới chỉ có 17/40 ngân hàng thương mại được niêm yết. Theo quy định, từ nay đến hết năm 2020 sẽ là thời điểm còn lại để những ngân hàng hoàn thành nốt nghĩa vụ này. Theo lý giải của hầu hết các nhà băng lỗi hẹn với việc đưa cổ phiếu lên sàn, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường không thuận lợi.
Hiện, một số ngân hàng đã có kế hoạch lên sàn trong năm nay. Cụ thể, Nam Á Bank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên Upcom, MSB cũng cho biết sẽ niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán vào quý III/2019; ABBank, Việt Á Bank và Seabank cũng cam kết sẽ niêm yết trên TTCK giai đoạn 2019 - 2020. Liệu nhà đầu tư có nên kỳ vọng sẽ có một “sóng” cổ phiếu ngân hàng vào cuối năm nay để những ngân hàng thương mại trên có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2019?
Nhiều khó khăn phía trước
Hiện, NHNN đã công nhận 9 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, gồm Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank và MSB. Theo lộ trình, đến ngày 1/1/2020, tất cả các ngân hàng sẽ phải đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với CAR bằng 8%. Để đáp ứng tiêu chí này, các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng vốn chủ sở hữu của mình lên bằng cách phát hành tăng vốn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến giới đầu tư kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ “nổi sóng” những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng T.Ư các nước và ASEAN 4 thời gian gần đây cùng với cuộc chiến tranh thương mại chưa rõ hồi kết sẽ gây ảnh hưởng khá tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Từ những yếu tố trên, xét về tiềm năng của ngành ngân hàng thời gian tới, có lẽ vẫn sẽ còn ẩn chứa rất nhiều khó khăn. Vì thế, nếu có kỳ vọng ở dòng “cổ phiếu vua” 6 tháng cuối năm 2019 có lẽ là những câu chuyện mang hơi hướng “game” (lướt sóng, đầu cơ) nhiều hơn. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ phải đáp ứng chuẩn Basel II hay buộc phải niêm yết lên sàn chứng khoán. Đáng chú ý, một số cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng như MBB thông báo phát hành thêm 10% cổ phần cho đối tác vào cuối năm hay BID có thể chốt được giá bán cho đối tác chiến lược KEB HANA sau 6 tháng đàm phán.