Sự mất mát từ chiến tranh thương mại

Việc gia tăng thuế quan lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump vấp phải không ít lời chỉ trích khi là một trong những nguyên nhân kéo nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực thậm chí có thể lớn hơn từ thói quen sử dụng Twitter của người đứng đầu Nhà Trắng cũng như chính sách thương mại rộng hơn.

Theo báo cáo từ các nhà kinh tế học của Bloomberg, sự không chắc chắn về thương mại có thể làm giảm 0,6% GDP toàn cầu so với kịch bản không có chiến tranh thương mại.

Con số này gấp đôi phần tác động trực tiếp của thuế quan và tương đương khoảng 585 tỷ USD, theo dự báo GDP thế giới đạt 97 nghìn tỷ USD vào năm 2021 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Mỹ được dự báo sẽ mất đi 0,6% sản lượng nền kinh tế trong khi Trung Quốc được nhận định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi yếu tố không chắc chắn với sụt giảm 1% GDP.

Các nhà kinh tế của Bloomberg cho rằng các dòng đăng trạng thái trên Twitter của ông Trump thậm chí còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn thuế quan. Sự mâu thuẫn trong quá trình đàm phán giữa hai quốc gia đã khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc đưa ra quyết định đầu tư và tuyển dụng.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng dự trữ liên bang New York, nhiều nhà sản xuất và lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ cho biết thuế quan và các chính sách chiến tranh thương mại đã đẩy giá lên cao cũng như giảm lợi nhuận so với thời điểm 12 tháng trước.

93% nhà sản xuất và 72% doanh nghiệp ngành dịch vụ được khảo sát cho biết việc tăng thuế vừa qua đã gia tăng chi phí đầu vào 1 chút hoặc đáng kể. Những con số này đều gia tăng mạnh so với mức được khảo sát vào tháng 8 năm ngoái.

Hàng loạt mối liên kết, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì chiến tranh thương mại. Ảnh: CNBC.

Về phía Trung Quốc, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, thậm chí bị phá vỡ khi không ít tập đoàn nước ngoài có kế hoạch chuyển sản xuất ra ngoài và trong số đó, nhiều thương hiệu đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo.

Hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản và thế giới Sharp cách đây không lâu thông báo sẽ xây nhà máy tại Việt Nam và thành lập công ty con 100% sở hữu Sharp Manufacturing Vietnam để quản lý hoạt động của nhà máy này.

Sharp đã loại bỏ kế hoạch sản xuất màn hình LCD bán cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và thay vào đó, chuyển sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan gia tăng trong chiến tranh thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh.

Apple được cho là nhiều khả năng sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng ra ngoài Trung Quốc.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang "theo chân" các nhà sản xuất nước ngoài chuyển ra khỏi quốc gia này nhằm giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại kéo dài.

Ngoài vấn đề thương mại, nhiều mối liên kết, làm ăn trong công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bị gián đoạn khi Washington áp đặt lệnh cấm đối với doanh nghiệp viễn thông lớn của Bắc Kinh là Huawei.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn của ngành công nghệ thế giới đã tuyên bố dừng cung cấp cũng như hợp tác với Huawei như Intel, Qualcomm, Xilin, Broadcom hay Google, đẩy gã khổng lồ này vào trạng thái bị cô lập.

Quyết định của chính quyền ông Donald Trump không những nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc mà còn phá vỡ mối liên kết kinh doanh và lợi ích của chính các doanh nghiệp Mỹ.

Chỉ vài năm trước, các nhà lãnh đạo công nghệ của Trung Quốc đổ không ít tiền vào những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của nước Mỹ khi Baidu, Alibaba, Tencent rót vốn vào Uber, Lyft hay Magic Leap.

Số liệu từ S&P Global Market Intelligence đưa tin bởi Forbes cho thấy năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào các thương vụ công nghệ Mỹ giảm tới gần 80%, chỉ đạt 2,2 tỷ USD từ con số 10,5 tỷ USD của năm 2017.

Đức Anh

Nguồn: Báo TheLEADER