Châu Âu 'chậm chân' nhưng quyết tâm thể hiện vai trò ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) nhận định, mặc dù chậm chân nhưng châu Âu rất quyết tâm trong việc thể hiện vai trò ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với những lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Ngày 16/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo chung Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên các nước Đức, Pháp, Anh, Australia tham gia diễn tập chung ở khu vực và thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu, điều đó đã thể hiện sự quan tâm của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu.

Chiến lược trên bao gồm 7 lĩnh vực trụ cột bao gồm: thịnh vượng bền vững và bao trùm, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, quan hệ đối tác và quản trị số, kết nối, an ninh và quốc phòng, an ninh con người. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, cả 7 lĩnh vực này đều phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề phát triển xanh, phát triển bền vững, kinh tế số, cơ sở hạ tầng… Đó là những vấn đề mà Việt Nam có nhu cầu rất cao với EU.

Thứ hai là vấn đề thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông. Đại sứ nhận định: “Tuyến hàng hải ở Biển Đông chiếm 3/4 lượng hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Đây là lý do EU nhiều lần lên tiếng bảo vệ luật pháp quốc tế ở vùng biển này. Nếu chúng ta tận dụng và phát huy tốt sự đan xen về lợi ích giữa châu Âu với Việt Nam trong việc xây dựng Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics thì tuyến hàng hải ở Biển Đông sẽ luôn là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và EU sẽ tiếp tục lên tiếng cũng như hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ sự tự do đi lại của hàng hóa và con người trên biển”.

Không chỉ riêng châu Âu mà các nước trong khu vực, đặc biệt là các cường quốc ngày càng quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Châu Âu thậm chí còn “đi chậm” hơn những nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia. Nguyên nhân của sự chậm trễ là vì EU khác với 1 quốc gia đơn lẻ. Là một khối với 27 nước, bất kỳ chủ trương chiến lược lớn nào, EU đều cần phải có sự đồng thuận của cả 27 nước.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: “Mặc dù châu Âu công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương muộn hơn so với các nước khác, nhưng châu Âu lại đưa ra chương trình rất cụ thể với 7 lĩnh vực hợp tác. Điều này đã thể hiện quyết tâm của châu Âu trong việc thể hiện vai trò ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Về phía Việt Nam, Đại sứ Thảo cho rằng: “Khi nhiều cường quốc quan tâm đên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, họ đều đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam. Dù vậy, chúng ta cần xác định rõ, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Cơ hội ở đây là chúng ta có thể tận dụng được nguồn lực của các đối tác khi họ muốn hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế số, đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải giữ vững đường lối chính trị, đường lối đối ngoại của mình là độc lập, tự chủ, tránh bị kéo vào xung đột giữa các nước lớn khi họ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”./.

Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-cham-chan-nhung-quyet-tam-the-hien-vai-tro-o-an-do-duong-thai-binh-duong-post911800.vov