Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cùng lãnh đạo một số đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, ông Nagato Natsume cho biết Aichi là một trong những tỉnh được thực tập sinh (TTS) lựa chọn nhiều nhất để đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, tập trung ở các ngành nghề: điện tử, cơ khí, xây dựng, chế biến thủy sản. "Trong quá trình hợp tác, lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre mong muốn tỉnh Aichi tiếp nhận TTS kỹ năng của 2 địa phương này sang làm việc. Nhằm giảm áp lực về kinh tế, tránh tăng chi phí, tỉnh Aichi đề xuất xây dựng mô hình hợp tác đào tạo với các trường đại học, trung học ở tỉnh Trà Vinh và Bến Tre để giáo dục pháp luật, văn hóa, tập quán của Nhật Bản trước khi người lao động (NLĐ) sang làm việc tại Nhật Bản" - ông Nagato Natsume nói.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tháng 7-2019 vừa qua, tại Tokyo - Nhật Bản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trao nhau Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định" với mục đích tăng cường bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước. Hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản hiện có 3 loại hình: TTS, điều dưỡng viên, lao động đặc định. Với từng chương trình, việc thu phí của NLĐ sang làm việc, học tập tại Nhật Bản đều được Chính phủ quy định rõ ràng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Thời gian tới, bộ sẽ tập trung ưu tiên địa bàn Đông Nam Bộ, ĐBSCL bởi đó là thị trường rất bền vững, không có NLĐ bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin. Bộ trưởng đồng ý về chủ trương để 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh hợp tác chặt chẽ với tỉnh Aichi trong việc đưa lao động của 2 địa phương này sang làm việc tại Nhật Bản và đề nghị hai bên cùng thực hiện đúng theo pháp luật của Việt Nam về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.