Thị trường chứng khoán chứng có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp với giá trị giao dịch gia tăng ở mức kỷ lục mới. Cụ thể, thanh khoản trung bình trên hai sàn đạt trên 31.500 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 16% với 133.980 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 11,2% với 4.014 triệu chứng khoán. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên HNX cũng tăng 48,3% với 23.918 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 46% với 1.030 triệu cổ phiếu.
Theo đó, VN-Index tăng một mạch 53,59 điểm trong tuần (+4,1%), lên mốc1.374,05 điểm đồng thời HNX-Index cũng có tới 19,3 điểm (+6,2%) để chạm mức 329,76 điểm.
phá kỷ lục mới
Trên sàn HoSE, VN-Index đi lên trong cả năm phiên giao dịch với mức điểm cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.374,05 điểm và 1.307,56 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu CTS đi đi lên trong suốt tuần với mức tăng mạnh nhất sàn 34% (từ 17.850 đồng lên 24.000 đồng), tiếp theo là cổ phiếu AGR tăng 26% (từ 11.900 đồng lên 15.000 đồng). Trái với xu thế thị trường, cổ phiếu LGC là lao dốc mạnh nhất sàn giảm 13% (từ 61.900 đồng xuống 53.800 đồng).
Bên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có tuần thứ tư tăng điểm liên tiếp với bốn phiên đi lên và một phiên đi xuống, cả tuần chỉ số này tăng 19,3 điểm (+6,2%), lên 329,76 điểm. Mức điểm cao nhất và thấp nhất của HNX-Index tại 331,902 điểm và 308,701 điểm. Mã cổ phiếu mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn nhất sàn là PSI với mức tăng 58% (từ 7.800 đồng lên 12.300 đồng), kế tiếp là cổ phiếu APP với mức tăng ấn tượng 35% (từ 6.000 đồng lên 8.100 đồng). Tuy nhiên, THS đã làm cổ đông của mình thất vọng, trở thành cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn với 21% (từ 30.900 đồng xuống 24.300 đồng).
Khối ngoại rút ròng trên cả hai sàn
Tiếp tục lội dòng nước ngược, thay vì tranh mua như các nhà đầu tư trong nước, khối ngoại tiếp tục rút ròng ở vùng giá cao của thị trường. Cụ thể, khối ngoại bán ròng giá trị 6.052 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 104 triệu đơn vị trên sàn HoSE. Trong đó, mã cổ phiếu HPG bị bán ròng mạnh nhất với 62 triệu cổ phiếu, tiếp đến là mã MBB với 28 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu OCB đã được họ mua ròng lớn nhất sàn với 6,4 triệu cổ phiếu.
Với sàn HNX, nhà đầu tư ngoại cũng duy trì bán ròng với giá trị 179 tỷ đồng, tương ứng 7.24 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng, cổ phiếu PVS bị bán ròng lớn nhất với 4,5 triệu cổ phiếu, sau đó là APS với 1 triệu cổ phiếu. Riêng, mã SHB là cổ phiếu được họ mua ròng nhiều nhất với 600.000 cổ phiếu.
Về kỹ thuật, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho rằng việc VN-Index đạt mốc cao nhất trong lịch sử 1.374 điểm với thanh khoản gia tăng kỷ lục, trung bình khoảng 31.500 tỷ đồng/phiên, cho thấy khu vực 1.400 điểm có thể là ngưỡng kháng cự mạnh của sóng 5. Theo ông Thắng, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm trong tuần tới (ngày 7/6-11/6) song sóng 5 khó có khả năng lớn hơn sóng 3 trước đó (với mức tăng 400 điểm, từ 800 điểm lên 1.200 điểm).
“Chúng tôi cho rằng dư địa để VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần tới là không nhiều và những rung lắc cũng như điều chỉnh có thể sớm diễn ra. Trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên giằng co khi bên cầm cổ phiếu quyết định chốt lời tại vùng giá hiện tại. Do đó, các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng về an toàn hoặc chốt lời với những cổ phiếu đã đạt tới mức giá mục tiêu. Những nhà đầu tư với tỷ trọng thấp nên hạn chế mua đuổi, chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại,” ông Thắng khuyến nghị.
Vượt qua nỗi sợ “COVID-19”
Về phân tích cơ bản, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay thị trường chứng khoán trong tháng Năm đã vượt qua nỗi sợ mang tên “COVID -19” để xác lập những mốc kỷ lục mới cả về điểm số và thanh khoản.
Tuy nhiên, bà Hiền chỉ ra các cổ phiếu niêm yết đang phân hóa mạnh, cụ thể đã có 47% các cổ phiếu niêm yết trên cả ba sàn giảm giá trong tháng 5 đi ngược xu thế tăng điểm của thị trường. Trên thực tế, đà tăng của thị trường trong tháng chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Trên cơ đó, đánh giá về triển vọng trong tháng Sáu, khối phân tích của VNDIRECT cho rằng: “Thị trường lạc quan trong thận trọng.”
Theo số liệu ước tính của VNDIRECT, lợi nhuận quý 1 của các công ty niêm yết trên HoSE, HNX và UpCoM tăng trưởng rất mạnh, khoảng 89,9% so với cùng kỳ do mức nền quý 1/2020 thấp (giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019). Theo đó, lợi nhuận ròng cả thị trường trong này sẽ tăng trưởng khoảng 41,6% so với mức trước dịch (quý 1/2019).
Do đó, VNDIRECT nâng dự phóng tăng trưởng EPS (tỷ suất lợi nhuận/cổ phiếu) năm 2021 cho các công ty niêm yết trên sàn HoSE từ mốc dự báo tăng trưởng cũ 23% lên mức 30%
Căn cứ vào các thông tin có được, VNDIRECT cũng chỉ ra một số yếu tố cơ bản hỗ trợ cho thị trường tháng Sáy, như một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại, triển vọng xuất khẩu tươi sáng hơn cùng với sự kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của VNDIRECT cũng chỉ ra một số rủi ro vẫn tồn tại, về tác động tiêu cực của đợt bùng phát COVID-19 mới đối với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 kéo theo những rủi ro tăng lạm phát và yếu tố nội tại của ngành chứng khoán với mức dư nợ margin thị trường đang ở mức cao.
“Chúng tôi kỳ vọng VN-INDEX trong tháng Sáu, VN-Index sẽ biến động trong khu vực 1.280-1.380 điểm,” bà Hiền cho hay./.