Thanh toán di động thay đổi 'bộ mặt' dịch vụ công Trung Quốc

Ảnh minh họa

Tại Hàng Châu, quê nhà của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, một điều kỳ lạ đang diễn ra tại bệnh viện Dư Hàng. Không còn các hàng dài bệnh nhân đứng đợi – một biểu tượng của các cơ sở y tế công cộng tại Trung Quốc. Ngay cả các quầy trả viện phí cũng chỉ có một vài người chờ tới lượt.

Bệnh viện đã xử lý vấn đề này nhờ ứng dụng nhận diện gương mặt cho mọi thứ, từ đặt lịch khám tới thanh toán viện phí. Thay đổi cho thấy thanh toán di động tiếp tục phát triển ra sao khi giá trị giao dịch thường niên đạt 178 nghìn tỷ Nhân dân tệ (25,1 tỷ USD), mở rộng từ trả tiền ăn uống cho đến mua xe, dịch vụ y tế.

Alibaba và đối thủ Tencent, mỗi bên đều đang có 1 tỷ người dùng nền tảng thanh toán, tổng cộng chiếm 90% giao dịch di động. Họ tạo ra xu hướng không dùng tiền mặt và thúc đẩy doanh nghiệp dựa vào cơ sở hạ tầng tài chính mới.

Hệ thống nhận diện gương mặt tại bệnh viện là sản phẩm của Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến thuộc Alibaba. Kết hợp thẻ bảo hiểm, thanh toán smartphone và dữ liệu gương mặt, bệnh nhân có thể đặt lịch khám chỉ trong vòng 30 giây qua điện thoại.

Bệnh viện lắp camera để xác thực gương mặt trong mỗi phòng khám và gần như tự động lưu trữ kết quả chẩn đoán, xử lý thanh toán qua Alipay. Bệnh nhân có thể rời bệnh viện sau khi nhận đơn thuốc.

Dịch vụ không cần tới công nghệ tiến bộ xuất chúng nào mà chỉ nhờ vào hệ thống xác thực gương mặt để nhận diện mỗi bệnh nhân, kết nối bệnh viện với Alipay để xử lý giao dịch. Dù vậy, Alipay đã thay đổi diện mạo thường thấy tại các bệnh viên Trung Quốc, nơi bệnh nhân phải chờ quá lâu. Ngoài ra, nhờ vào tập hợp dữ liệu y tế, công ty cũng hướng đến ngành kinh doanh mới là tự động chẩn đoán sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Kang Xiaohui, tài xế 28 tuổi đang làm cho Ele.me – nền tảng giao đồ ăn của Alibaba – kiếm được 6.000 đến 7.000 Nhân dân tệ/tháng sau một năm làm việc. Anh cho biết ở quê nhà An Huy, không có công việc nào hậu hĩnh như vậy.

Kang giao hàng tới 30 điểm mỗi ngày trên khắp thành phố. Mỗi chuyến giao hàng thành công, anh nhận được khoảng 15 tệ. Dù phải sống chung trong căn hộ nhỏ, rẻ tiền, anh lại có thu nhập cao hơn trước đây.

Alibaba nói đã tạo ra hơn 30 triệu việc làm, bao gồm các công việc trong lĩnh vực liên quan. Nhà sáng lập Jack Ma cho biết công ty đang hướng tới trở thành “nền kinh tế” lớn thứ 5 thế giới thông qua cung cấp việc làm cho 100 triệu người.

Đây không phải tham vọng vô căn cứ. Khảo sát gần đây của Nikkei với hơn 50 người tại các địa điểm như Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang cho thấy 40% trong số này không dùng tiền mặt trong một tháng.

Cư dân thành thị Trung Quốc hiếm khi sử dụng tiền mặt. Hu Mingqiang, 28 tuổi, kỹ sư phần mềm sống tại Giang Tô, gần đây mua chiếc sedan Volkswagen Lavida với số tiền đặt cọc 60.000 tệ, thanh toán qua Alipay. Trong tháng gần nhất, anh chỉ trả đúng 5 tệ cho đồ uống và 20 tệ phí đỗ xe.

Lượng dữ liệu khổng lồ tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới như Huabei, dịch vụ cho vay ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tính toán hạn mức cho vay và lãi. Nó kiểm tra tất cả thông tin về người vay như họ đã từng từ chối thanh toán trên Taobao hay chậm nộp hóa đơn điện nước hay chưa.

Song việc mở rộng sang lĩnh vực kinh tế lại ẩn chứa rủi ro tiềm tàng liên quan đến quản lý thông tin. Năm 2018, Trung Quốc yêu cầu mọi giao dịch thanh toán di động phải đi qua hệ thống liên kết với Ngân hàng trung ương. Alibaba và Tencent đều đầu tư vào hệ thống.

Du Lam (Theo Nikkei)

Nguồn: Báo ICTNews