Thị trường Việt Nam đang ở đâu trong mắt Apple

Theo đại diện nhà bán lẻ và chuyên gia lĩnh vực di động, Việt Nam sẽ sớm được Apple nâng bậc ưu tiên, ngang hàng với thị trường Thái Lan.

Với doanh số tăng nhanh và sự quan tâm lớn cho mặt hàng iPhone của người dùng trong nước, chuyên gia từ Counterpoint Research nhận định rằng Táo khuyết sẽ sớm nâng xếp hạng ưu tiên thị trường Việt Nam lên bậc 2. Apple Việt Nam cùng nhóm với Thái Lan và chỉ đứng sau Singapore trong khu vực.

Việc được nâng hạng phản ánh đúng quy mô thị trường di động trong nước. Đồng thời, điều này giúp khách hàng của Apple tại Việt Nam nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Singapore nhóm một, Việt Nam, Thái Lan sẽ ngang hàng

Theo thông tin ghi nhận từ các nhà bán lẻ trong nước, doanh số iPhone chính hãng và sản phẩm của Apple đã tăng trưởng nhanh trong hai năm qua. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây khó cho hàng xách tay cùng những chính sách cởi mở hơn từ Táo khuyết đã đóng góp vào kết quả này.

Trả lời Zing, ông Glen Cardoza, nhà phân tích chính mảng di động từ Counterpoint Research cho biết thị phần của Apple tại Việt Nam tăng từ dưới 2% trong quý I/2020 lên 9,8% trong quý I/2022. Theo đó, đây là một kết quả rất ấn tượng.

Apple nâng bậc ưu tiên, người dùng trong nước sẽ nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn từ hãng.

Trong cuộc họp cổ đông cuối tháng 7, CEO Tim Cook cũng nhắc tên Việt Nam trong nhóm những quốc gia mới nổi, có mức độ tăng trưởng tốt nhất của hãng trên toàn cầu.

“Việt Nam vẫn được Apple xếp ở bậc 3, trong khi Singapore thuộc nhóm một, Thái Lan là 2. Tuy nhiên, chính doanh số bán liên tục tăng cùng sự quan tâm lớn của người dùng cho iPhone, có thể Việt Nam sẽ được nâng lên bậc 2 ngay trong năm nay”, ông Glen Cardoza nhận định.

Dự đoán trên trùng khớp với thông tin được các nhà bán lẻ tại Việt Nam chia sẻ gần đây. Cụ thể, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng Viễn thông, Di động của FPT Shop cho biết Việt Nam đang trở thành thị trường trọng điểm của Apple tại Đông Nam Á, châu Á. Do đó, việc nâng cấp bậc ưu tiên sẽ sớm diễn ra.

Khi ở bậc 2, người dùng trong nước sẽ nhận được những ưu đãi phù hợp. Theo đại diện một nhà bán lẻ lớn tại Hà Nội và TP.HCM, iPhone 14 series sẽ mở bán sớm hơn đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm. Ở iPhone 13 series, hàng chính hãng về sau máy xách tay khoảng 28 ngày.

Đối chiếu với một quốc gia thuộc bậc 2 khác trong khu vực là Thái Lan, Việt Nam có thể sẽ sớm được xây dựng Apple Store trong tương lai gần.

"Nhiều nguồn tin trong ngành tiết lộ Apple đã bổ sung nhiều nhân sự chất lượng ở Việt Nam. Song song với đó là việc công ty tìm mặt bằng để mở Apple Store. Những điều này cho thấy Táo khuyết đang đánh giá cao thị trường Việt Nam", ông Xà Quế Nguyên, đại diện Hnam Mobile trả lời Zing.

Nhiều năm thiệt thòi khi là thị trường bậc 3

Việc mặt hàng iPhone xách tay phổ biến trong nhiều năm qua khiến Apple vẫn xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm 3 về mức độ ưu tiên. Bởi về mặt giấy tờ, doanh số sản phẩm Apple đáng ra thuộc về Việt Nam trước 2019, được chuyển cho những thị trường như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… do dân buôn nhập nhiều iPhone từ những nước này.

Điều này gây ra “hiểu lầm” về thị trường trong nước từ chính những người quản lý của Apple. Trong buổi họp công bố kết quả tài chính của Táo khuyết hôm 28/7, Tim Cook vẫn đánh giá Việt Nam thuộc nhóm thị trường “có mức độ phổ biến iPhone chưa cao”.

Việt Nam có Apple Store, iPhone bán sớm, sẽ không còn cảnh người Việt xếp hàng ở Singapore. Ảnh: Đoạn Lãng.

Việc bị xếp vào nhóm bậc 3 khiến nhà bán lẻ, người dùng trong nước chịu nhiều thiệt thòi. Giai đoạn trước, đại lý phải nhập iPhone từ Apple với giá nguyên gốc, tương tự người dùng cuối. Do đó, khi đến tay khách hàng trong nước, iPhone chính hãng bị đội giá bởi các loại thuế và chi phí bán hàng. Điều này tạo ra chênh lệch lớn về mức chi phí bỏ ra để mua một chiếc iPhone chính hãng với xách tay. Do đó, iPhone nhập khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn sống tốt trong thời gian dài.

Ngoài ra, vì là nhóm thị trường thấp điểm, nguồn hàng Apple chính hãng không được ưu tiên. Do đó, những mẫu iPhone nhận được sự quan tâm lớn thường về hàng rất trễ, sau Hong Kong, Singapore nhiều tháng với lượng máy hạn chế. Người dùng không đủ kiên nhẫn đợi máy chính hãng buộc phải chuyển sang mua hàng xách tay.

Do đó, việc Apple nâng hạng Việt Nam lên nhóm 2, ngang Thái Lan được các nhà bán lẻ đánh giá là động thái đúng của Táo khuyết với thị trường di động lớn như nước ta. Qua đó, người dùng trong nước được tiếp cận với sản phẩm Táo khuyết sớm hơn với giá tốt cùng chất lượng dịch vụ được cải thiện.

Theo chuyên gia của Counterpoint Research, Việt Nam là thị trường khá nhạy cảm với giá bán của thiết bị di động, bởi người dùng có xu hướng đợi các đợt giảm giá.

"Tuy nhiên, đối với Apple, Việt Nam cho thấy đây là một thị trường có sức mua tốt, ngay cả trong giai đoạn thấp điểm, tháng 4 đến tháng 10 trong năm", ông Glen Cardoza cho biết.

Ngoài ra, ngành hàng Apple vẫn liên tục tăng trưởng trong hai năm đại dịch. Điều này cho thấy sức hút ổn định của sản phẩm Táo khuyết với người dùng trong nước.

Nguồn: zingnews.vn