Thiên đường mua sắm Hong Kong thành 'phố ma'

Dưới ảnh hưởng từ dịch bệnh, tụ điểm mua sắm và ẩm thực đình đám phía đông Tsim Tsa Tsui chìm trong tĩnh mịch. Cảnh tượng từng đoàn du khách nối đuôi nhau trên phố, xếp hàng dài trước các quán ăn hay ùa vào trung tâm thương mại chỉ còn là dĩ vãng.

"Suốt 30 năm sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy khu vực này ảm đạm tới vậy. Thật kinh khủng", Gigi Tam (62 tuổi) - chủ tiệm váy cưới trên đường Mody Road - nói với SCMP.

"Tựa như phố ma"

Không còn những chuyến phà, tàu MTR hay xe khách xuyên biên giới kết nối Trung Quốc đại lục với các trung tâm thương mại lớn, Hong Kong nay vắng bóng nhóm du khách chủ lực từ xứ tỷ dân.

Vắng bóng khách du lịch và hiệu lực từ lệnh phong tỏa trở thành nguyên nhân khiến hàng loạt hàng quán, trung tâm mua sắm phía đông Tsim Tsa Tsui phải đóng cửa im lìm suốt nhiều tháng.

Đại dịch khiến phía đông phố Tsim Tsa Tsui trở nên hoang vắng, quạnh quẽ. Ảnh: SCMP.

Tại Houston Centre - tụ điểm ăn chơi lớn và lâu đời nhất Hong Kong, gần một nửa nhà hàng treo biển tạm dừng hoạt động. Nhiều nơi còn trở thành kho chứa hàng hoặc văn phòng của các công ty khởi nghiệp nhỏ lẻ.

Dọc đường Mody Road, đa số các tiệm đều phá sản, mặt tiền chằng chịt những hình vẽ graffiti. Các quán cà phê, phòng gym và thẩm mỹ viện đều tắt đèn, cất biển hiệu dù mới ban ngày.

Trên đại lộ Park Lane Shopper, 20 trong số 60 cửa hàng dọc hai bên đường đều treo biển dừng kinh doanh. Những tiệm bán lẻ còn sót lại cố gắng duy trì hoạt động bằng hàng loạt chương trình giảm giá sốc, song vẫn hiếm người qua lại.

Một Tsim Tsa Tsui hào nhoáng, náo nhiệt trong quá khứ, "thiên đường mua sắm" Hong Kong, giờ đây tựa như một con phố ma hoang vắng, ảm đạm.

Simon Lee Siu-po, Giám đốc chương trình Kinh doanh Quốc tế và Doanh nghiệp Trung Quốc tại ĐH Trung Quốc (CUHK), mô tả tình cảnh của đông Tsim Tsa Tsui lúc này như "trở về thập niên 80, 90".

Đa số cửa hàng dọc hai bên phố đều đóng cửa im lìm, hoặc treo biển giảm giá sốc nhằm duy trì kinh doanh giữa Covid-19. Ảnh: SCMP.

Dù treo biển "Giảm giá 50%" bên ngoài, trung tâm thương mại đình đám Wing On Plaza nằm cạnh khách sạn The Kowloon Shangri-La chỉ có lác đác vài khách hàng tới lui.

Nhân viên bảo vệ tại đây cho biết mỗi giờ, trung tâm đón khoảng 150 khách hàng - số lượng ít hơn hẳn thời điểm trước dịch bệnh, song khá hơn rất nhiều so với vài tháng qua.

"Từ đầu năm nay, đây là thời điểm chúng tôi có nhiều khách hàng nhất vì cư dân có nhu cầu mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán. Không ít người quay lại vài lần để xem có chương trình giảm giá mới hay không", anh nói.

Chặng đường phục hồi gập ghềnh

Tình trạng kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại đông Tsim Tsa Tsui phản ánh sức tàn phá từ đại dịch tới nền du lịch, dịch vụ ở Hong Kong.

SCMP đưa tin lượng khách du lịch tới khu vực này giảm từ 65,1 triệu người năm 2018 xuống 3,56 triệu người năm 2020. Ngoài ra, doanh số bán lẻ giảm mạnh 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

George Leung Siu-kay, Giám đốc điều hành phòng Thương mại Hong Kong, cho biết tình hình hiện tại có thay đổi hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chương trình tiêm chủng vaccine.

"Chặng đường phục hồi có thể sẽ gập ghềnh, tùy thuộc vào thời gian hoàn tất tiêm chủng vaccine cho cư dân".

Ngày 16/2, chính quyền Hong Kong quyết định nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim... hoạt động trở lại kể từ ngày 18/2.

Các doanh nghiệp cố gắng sinh tồn bằng cách tung ra nhiều chương trình giảm giá sốc, song vẫn hiếm khách hàng qua lại. Ảnh: Winson Wong.

Quyết định này khiến các chủ doanh nghiệp như Simon Wong Kit-lung - chủ tịch Institute of Dining Art - không nén nổi vui mừng.

"Ngành dịch vụ này đang thoi thóp tồn tại giữa Covid-19. Chúng tôi mong có thể bắt kịp và kiếm thêm lợi nhuận khi được đón khách hàng tới dùng bữa tại chỗ sau ngày 17/2".

Dennis Cheng Tak-ming, Giám đốc bán hàng cấp cao thuộc Ricacorp Properties, dự đoán: "Tình hình có thể cải thiện sau Tết Nguyên đán. Nhiều người vẫn tiếp tục thuê nhà để kinh doanh, một số doanh nghiệp mới mọc lên dọc hai bên phố".

Tại Houston Centre, chủ tiệm áo cưới Gigi Tam vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh ảm đạm do dịch Covid-19 gây nên vào năm ngoái. Không có đám cưới nào được tổ chức, cửa hàng rộng 200 m2 của bà luôn đóng cửa, chỉ mở 1-2 lần/tuần để dọn dẹp.

"Tôi phải sống dựa vào tiền tiết kiệm, đồng thời trả 902 USD tiền thuê nhà mỗi tháng dù không kiếm được đồng nào. Dẫu vậy, tôi vẫn muốn tiếp tục kinh doanh tới khi không còn khả năng nữa", bà nói.


Nguồn: TH