Tin lời 'giáo chủ', anh em tỷ phú Ấn Độ đốt sạch tài sản 2 tỷ USD

Dọc bờ sông Beas ở phía bắc Ấn Độ có một thị trấn tôn giáo, trông giống như lai giữa một khu tổ hợp tu viện truyền thống và khu dân cư giàu có tại Florida (Mỹ). Ở đó có một hội trường lớn với những ngọn tháp và mái vòm ngọc, nằm xen kẽ với nhà ở và siêu thị kiểu Mỹ.

Thị trấn này là nơi 8.000 tín đồ của "đại sư" Gurinder Singh Dhillon sinh sống. Theo Bloomberg, tổ chức của Gurinder Singh Dhillon - Radha Soami Satsang Beas - thu hút hơn 4 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Nhiều người coi ông này là hiện thân của Chúa.

Nhưng ở thế giới trần tục, nơi đồng tiền có sức mạnh vạn năng, "giáo chủ" Dhillon (64 tuổi) là nhân vật trọng yếu trong cuộc sụp đổ thuộc vào loại thảm khốc nhất trong lịch sử thương trường Ấn Độ.

Đó là sự sụp đổ của đế chế tài chính và y tế trong tay hai anh em Malvinder (45 tuổi) và Shivinder Singh (43 tuổi), những người từng sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2 tỷ USD.

Trong những năm qua, công ty cổ phần của hai anh em Singh đã cho gia đình Dhillon và các doanh nghiệp của họ vay khoảng 25 tỷ rupee (362,7 triệu USD). Nghiên cứu của Bloomberg News cho thấy cùng với các khoản đầu tư sai lầm, đây là nguyên nhân đẩy đế chế kinh doanh Singh lún sâu vào hố nợ.

Hai anh em Malvinder (trái) và Shivinder Singh. Ảnh: Getty Images.

Niềm tin tuyệt đối vào "giáo chủ"

Là người thừa kế của một đế chế trị giá hàng tỷ USD nhưng anh em Singh đang chứng kiến tập đoàn gia đình tàn lụi. Các chủ nợ xiết cổ phần của họ. Họ bị cơ quan tài chính điều tra sau khi 23 tỷ rupee (334 triệu USD) từ các công ty niêm yết biến mất không còn tăm tích.

Họ nợ tới 500 triệu USD vì cáo buộc gian lận liên quan đến vụ bán lại Công ty dược phẩm Ranbaxy Laboratories năm 2008. Đây là công ty do ông nội họ Bhai Mohan Singh sáng lập. Cha của họ là Parvinder Singh cũng đóng góp rất nhiều cho công ty.

Thậm chí họ đánh mất cả dinh thự của gia đình. Cả hai đều phủ nhận mọi cáo buộc. Dhillon là anh họ của mẹ hai anh em Singh. Cả hai coi ông như cha nuôi sau khi cha ruột của họ qua đời vào cuối thập niên 1990. Kể từ đó, tài sản của gia đình Singh bắt đầu đổ vào túi nhà Dhillon thông qua nhiều khoản vay từ các công ty bình phong và hàng loạt công cụ tài chính phức tạp.

Sự sụp đổ của gia tộc Singh diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi nỗ lực tăng cường tính minh bạch và thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Câu chuyện của Malvinder và Shivinder Singh được coi là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp Ấn Độ, những công ty gia đình với cấu trúc thiếu minh bạch đang thống trị thị trường.

Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Arun Kumar thuộc Viện Khoa học Xã hội ở New Delhi nhận định: "Sự thiếu minh bạch dẫn đến nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp hợp pháp sẽ không muốn đến Ấn Độ".

Nhà Singh nổi tiếng với thương vụ mở rộng chuỗi Bệnh viện Fortis Healthcare và Công ty tài chính Religare Enterprises với tốc độ chóng mặt sau khi thu 2 tỷ USD từ việc bán lại Tập đoàn dược phẩm Ranbaxy.

"Đại sư" Gurinder Singh Dhillon, người đứng đầu giáo phái Radha Soami Satsang Beas. Ảnh: RSSB.

Malvinder và Shivinder Singh không thừa nhận bất cứ cáo buộc nào. Họ xác nhận có mối quan hệ làm ăn với "giáo chủ" Dhillon và đang đối thoại với gia đình Dhillon để giải quyết số tiền cho vay.

Nhưng hai anh em phủ nhận cáo buộc rằng thầy Dhillon là nguyên nhân gây nên những bê bối tài chính. Malvinder và Shivinder Singh mô tả ông Dhillon "chỉ hành động bằng trái tim".

Malvinder và Shivinder Singh dồn trách nhiệm cho Sunil Godhwani, một tín đồ khác của giáo phái, người dẫn dắt Religare Enterprisestheo đề xuất của Dhillon. Họ khẳng định Godhwani cũng là người lãnh đạo Công ty cổ phần RHC Holding Pvt của hai anh em, nhưng thường đưa ra quyết định riêng mà không tham khảo họ.

Theo hai anh em, Godhwani là người thiết kế cấu trúc tài chính của công ty và thông qua các khoản tiền cho nhà Dhillon vay, dẫn đến rắc rối tài chính của họ. Bloomberg không xác định được có phải Godhwani điều hành RHC Holding Pvt từ năm 2010 đến 2016 hay không.

Thông tin từ RHC cho biết ông ta nắm quyền ở công ty trong năm 2016 và 2017. Đây là quãng thời gian phần lớn các khoản cho vay và đầu tư lớn của RHC xảy ra. Godhwani không đưa ra bình luận nào và đã rời bỏ vị trí chủ tịch Religare từ năm 2016.

Về phần mình, Dhillon từ chối trả lời phỏng vấn. Thư ký của Radha Soami Satsang Beas cho biết "giáo chủ" chỉ hỗ trợ anh em Singh quản lý tài sản sau khi cha của họ qua đời. Và từ năm 2011, căn bệnh ung thư khiến Dhillon lùi về tập trung cho giáo phái tâm linh của mình.

Đổ tiền cho nhà Dhillon

Đầu năm 2018, Bloomberg đưa tin nhà Singh rút 5 tỷ rupee (72,6 triệu USD) từ Fortis mà không có sự chấp thuận của hội đồng quản trị. Một nhà đầu tư ở New York cũng đệ đơn kiện hai anh em bòn rút 18 tỷ rupee (261,45 triệu USD) từ Religare.

Anh em Singh khẳng định họ không làm gì sai luật và Godhwani là người quản lý cả RHC và Religare trong thời điểm đó. Thị trường chứng khoán Ấn Độ và các cơ quan quản lý gian lận đã mở cuộc điều tra về những bất thường tài chính ở cả hai công ty nhưng chưa công bố kết quả.

Anh em Singh trở nên nổi tiếng trên thương trường sau thương vụ bán lại Ranbaxy - khi đó là công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ - cho công ty Nhật Bản Daiichi Sankyo. Thương vụ diễn ra cùng thời điểm Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đặt nghi vấn về các hoạt động sản xuất và an toàn sản phẩm của Ranbaxy.

Hai anh em dùng tiền mặt để xây dựng Fortis và Religare thành hai đế chế riêng, mỗi công ty trị giá 1 tỷ USD, khi nhu cầu dịch vụ y tế và tài chính của Ấn Độ gia tăng. Họ trở thành những VIP tại New Delhi giống như cha mình.

Sunil Godhwani, một tín đồ của giáo phái Dhillon tham gia vào công việc kinh doanh nhà Singh. Ảnh: Bloomberg.

Vào năm 2013, Ranbanxy thừa nhận hành vi vi phạm luật hình sự ở Mỹ và đối mặt với án phạt 500 triệu USD. Daichi Sankyo - chủ sở hữu mới của Ranbanxy - buộc tội nhà Singh đã che giấu mức độ của các vấn đề pháp lý trong quá trình bán. Hai anh em Singh phủ nhận cáo buộc trên.

Thời điểm đó, Dhillon nắm quyền lực lớn trong đế chế của Singh. Các thành viên thuộc giáo phái Radha Soami Satsang Beas cũng nắm giữ các vị trí quan trọng trong đế chế này. Một tín đồ trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Ranbaxy, trong khi Godhwani dẫn dắt Religare.

Bằng chính số tiền vay từ hai anh em Singh, nhà Dhillon trở thành cổ đông lớn thứ hai của Religare, chỉ sau nhà Singh. Godhwani cũng thường tham khảo ý kiến của Dhillon tại Religare, giống như với nhà Singh ở Forrtis. Năm 2015, Shivinder Singh tạm hoãn công việc kinh doanh để dành toàn bộ thời gian tham gia tổ chức tâm linh của Dhillon.

Trang web của giáo phái đăng tải hình ảnh Dhillon với bộ râu trắng, mặc áo dài trắng và đeo khăn xếp trắng. Những người thân cận tiết lộ Dhillon thích đùa giỡn. Ông cũng lôi cuốn hơn là cố tỏ ra thần bí, thanh tao.

Hơn 500.000 tín đồ thường cùng tới đạo tràng để nghe Dhillon giảng dạy về cách thiền, ăn chay và các giá trị đạo đức giúp con người thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Tuy nhiên, trước khi đứng đầu giáo phái, Dhillon xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn ở Punjab và sau này trở thành doanh nhân tại Tây Ban Nha. "Ông ấy trên hết là một doanh nhân, sau đó mới là thầy tâm linh", Brian Hines, thành viên cộng đồng giáo phái tại Mỹ, khẳng định.

Brian Hines giờ đây đã rời khỏi tổ chức sau 35 năm hoạt động và thường viết blog lên án giáo phái.

Thị trấn tôn giáo của "giáo chủ" Dhillon. Ảnh: Bloomberg.

Năm 2010, một cơ hội kiếm lời khác mở ra. Các thị trấn bên ngoài New Delhi chứng kiến cuộc bùng nổ đất đai biến nông dân thành triệu phú. Nguồn tài sản của nhà Singh được phân bổ lại để giúp nhà Dihllon xây dựng đế chế bất động sản. Hai công ty Prius Real Estate Private Ltd. và Lowe Infra - Wellness Private thực chất chỉ là công ty vỏ bọc, thuộc sở hữu của Dhillon dù đứng tên người khác.

Hai năm tiếp theo, qua những khoản vay không lãi suất, các công ty này nhận khoảng 20 tỷ rupee (290 triệu USD) từ công ty tư nhân và công ty con của nhà Singh. Sau đó, tài sản trong quỹ được phân bổ đến những công ty thuộc quyền kiểm soát của Dhillon. Nhà Singh nắm giữ 51% cổ phần của Lowe.

Từ năm 2011 trở đi, công ty cổ phần của hai anh em tiếp tục chi ít nhất 12 tỷ rupee (174,3 triệu USD) để bù lỗ cho Ngân hàng đầu tư Religare Capital Markets, số còn lại gửi đến Hãng hàng không Ligare Voyages.

Tập đoàn của Singh cũng cho vay ít nhất 7 tỷ rupee (101,6 triệu USD) để bù lỗ cho công ty con tách ra khỏi Religare. Dựa theo phân tích từ chuyên gia, chi phí chủ yếu dẫn đến sự thua lỗ của công ty là tiền thuê nhà. Phần lớn được trả cho các tòa nhà thuộc sở hữu của Dhillon. Religare thậm chí không sử dụng hết không gian được thuê.

Công ty cổ phần RHC cũng cho thành viên nhà Dhillon vay 5 tỷ rupee thông qua mạng lưới công ty vỏ bọc. Tổng các khoản vay không lãi suất của loạt công ty nhà Dhillon lên đến 1,6 tỷ USD vào tháng 3/2016.

Giọt nước tràn ly, đế chế Singh sụp đổ

Khi tình hình trở nên xấu đi, quỹ tiền thuộc hai công ty chính của nhà Singh - Fortis và Religare - liên tục được chuyển qua lại thông qua các công ty vỏ bọc để giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt.

Giọt nước tràn ly xuất hiện khi tòa án ở Singapore đứng về phía Daiichi Sankyo trong vụ kiện buộc tội hai anh em Singh, buộc họ phải bồi thường 500 triệu USD và tiền lãi vì những rắc rối liên quan đến Ranbanxy. Hiện nhà Singh đang kháng cáo quyết liệt.

Anh em nhà Singh vẫn "làm mọi thứ" cho giáo chủ. Ảnh: Indian Express.

Danh tiếng bị hoen ố, các ngân hàng và công ty tài chính không còn muốn cho Malvinder và Shivinder Singh vay tiền dù hai anh em họ dùng nhà và cổ phiếu công ty làm tài sản thế chấp. Đến năm 2016, nhà Singh không thể trả các khoản vay qua lại của Fortis, lên đến 5 tỷ rupee (72,5 triệu USD).

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ yêu cầu các công ty con của nhà Singh trả lại 18 tỷ rupee (261,2 triệu USD) cho Religare, nhưng nhà Singh vẫn chưa thực hiện. Cuối cùng, ngân hàng tiến hành tịch thu tài sản để bù đắp các khoản vay, bao gồm phần lớn cổ phần tại Fortis, Religare và ngôi biệt thự của anh em nhà Singh.

Các cổ đông nhỏ cũng nắm quyền kiểm soát Religare. Trong khi đó, hàng loạt dự án bất động sản của gia đình Dhillon cũng thất bại vì thị trường địa ốc New Delhi vỡ bong bóng. Nhiều nguồn tin cho biết các công ty này còn nợ nhiều đối tượng khác ngoài gia đình Singh.

Với các khoản vay cá nhân nhập nhằng và cấu trúc công ty phức tạp, rất khó để xác định chính xác số tiền mà "giáo chủ" Dhillon nợ các cháu trai. Đối với chủ nợ của nhà Singh, trong đó có Daiichi Sankyo, việc đòi lại tiền cũng không hề dễ dàng.

Nhưng, ở thời điểm này, khi được hỏi hai anh em Singh sẽ làm những gì cho "giáo chủ" của mình, một người quen của họ trả lời: "Bất cứ điều gì".

Phương Thảo

Nguồn: Báo Zing