Trồng nấm bào ngư thu về trăm triệu

Trên diện tích 500m2, chị Huỳnh Thị Hoa (P. Khuê Mỹ, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tận dụng trồng nấm bào ngư suốt 11 năm nay, thu về hơn 250 triệu đồng mỗi năm.

Chị Huỳnh Thị Hoa và trang trại nấm của mình.

Một ngày giữa tháng 3, theo chân Phó Chủ tịch Hội Nông dân P. Khuê Mỹ đến gia đình chị Huỳnh Thị Hoa, đúng lúc chị đang tự tay làm từng bịch phôi nấm. Năm 2009, gia đình chị thuộc hộ nông dân bị thu hồi đất nên đã được phường tạo điều kiện tham gia khóa học làm nấm do Sở Khoa học Công nghệ lúc bấy giờ mở lớp. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Hoa bắt tay ngay vào việc xây dựng mô hình trồng nấm ngay trên gian nhà trống của ông bà ngoại. Nhờ sự cần cù, chịu khó và áp dụng kỹ thuật đúng theo quy trình được học nên ngay vụ đầu tiên, nấm bào ngư đã phát triển tốt và đem lại nguồn thu cho gia đình chị. "Trước đây nhà tôi làm nông nhưng đất bị thu hồi nên với số vốn được hỗ trợ và cũng được địa phương cho đi học kỹ thuật trồng nấm nên tôi thấy nấm sò phù hợp để khởi nghiệp. Ngoài ra, khi đã nắm được quy trình, nấm sò khá dễ trồng, đầu ra ổn định và nguồn nguyên liệu trồng khá đơn giản, dễ kiếm", chị Hoa chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu trồng nấm được chị Hoa sử dụng chủ yếu là mùn cưa, cám gạo, cám bắp... nên chị quyết định nhập về và tự bao ủ sau đó ra từng bịch phôi, rồi hấp thanh trùng và cấy giống. Mọi công đoạn đều được chị mày mò học hỏi để cho ra thành phẩm đạt hiệu quả cao. Trước kia, sau khi ra bịch phôi, chị sử dụng lò hấp bằng than nhưng từ khi thấy được sự nguy hại đến môi trường chị Hoa đã đầu tư hẳn lò hấp bằng điện vừa nhanh và an toàn.

Ngồi bên cạnh chị là cậu con trai đang học lớp 12 cũng đang cặm cụi ra từng bịch nấm phụ giúp mẹ. Tay đưa nhanh thoăn thoắt cả trăm bịch phôi nấm đều gọn tưng. Chị cho biết mỗi tuần chị và con trai ra 1.200 bịch phôi đều đặn. Hiện tại, với diện tích 500m2, chị Hoa trồng được 15.000 bịch nấm. Bình quân mỗi tháng 4 lần thu hoạch, mỗi đợt chị thu được 2 tạ nấm thương phẩm, thu nhập mỗi tháng cũng được hơn 20 triệu đồng.

Trồng nấm bào ngư cũng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rất nhiều, nhất là những ngày trời nắng nóng dễ khiến nấm bị hư hỏng. Để nấm luôn được duy trì độ ẩm, tránh bị hư hại chị Hoa đã sử dụng hệ thống phun sương và khu nhà trồng nấm được che lưới, mái tạo nhiệt ổn định. "Mỗi ngày tôi đều mở hệ thống phun sương một lần rồi chia thời gian tưới nước tạo độ ẩm cho nấm. Nhờ vào cách làm này mà nhiệt độ trong nhà trồng nấm giảm đáng kể, đồng thời giúp cây nấm phát triển tốt. Nấm của gia đình tôi không dùng các chất kích thích nên sản phẩm luôn đảm bảo, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng", chị Hoa tâm sự.

Cũng theo kinh nghiệm trồng nấm của chị, nấm bào ngư là một loại khá dễ trồng và trồng được quanh năm. Muốn cây nấm phát triển tốt và năng suất cao thì người trồng nấm cần tuân thủ theo đúng kỹ thuật và theo dõi thường xuyên tình hình phát triển của nấm để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong những năm gần đây, không chỉ trồng nấm bào ngư, chị còn nghiên cứu trồng xen kẽ nấm linh chi để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nấm của chị Hoa sau khi thu hoạch đều được bỏ mối trực tiếp tại chợ Đầu mối Hòa Cường, vụ nào cũng như vụ nấy nấm thu hoạch đến đâu đều hết đến đấy.

Chị Trần Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân P. Khuê Mỹ cho biết, chị Hoa là hội viên chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Năm 2012, chị được phường khen thưởng là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. "Từ khi được học nghề làm nấm chị Hoa đã vận dụng rất tốt các kỹ thuật cũng như tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè để giúp cho nấm đạt hiệu quả cao hơn. Đã 11 năm theo nghề làm nấm, gia đình chị Hoa là hộ làm nấm bền vững và phát triển với số lượng lớn tại phường, thu nhập ổn định".

Diệu Huyền

Nguồn: Báo CAĐN