Trồng sả ở vùng đất nhiễm mặn

Cây sả dễ trồng, cho thu nhập khá.

Theo chị Nguyễn Thị Vân, cư ngụ tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, giá sả thương lái thu mua hiện dao động trong khoảng 4.000 – 4.500 đồng/kg, có lúc lên đến 4.800 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Với giá này, mỗi ha sả đạt giá trị sản lượng khoảng 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí, bà con thu lãi 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm.

Gia đình chị Vân canh tác 3.000 m2 sả chuyên canh. Trong tháng 12/2019, chị mới thu hoạch được khoảng 4,5 tấn sả, bán thu 18 triệu đồng. Nhờ nguồn lợi từ cây sả, gia đình chị đã có thu nhập ổn định trong những ngày năm hết tết đến.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cư ngụ tại ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông trồng 2,5 ha sả cho biết, cây sả mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, sản lượng 30 tấn/ha. Trong năm 2019, gia đình anh Hùng thu hoạch được 75 tấn sả, bán giá bình quân 4.000 đồng/kg, thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 110 triệu đồng. Đây là điển hình nông dân làm giàu từ cây sả trên vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông. Theo anh Hùng, giá sả hồi phục mang lại niềm phấn khởi chung cho nông dân miền đất nhiễm mặn quanh năm đầu tắt mặt tối và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì sinh kế.

Ông Phan Văn Sum ở ấp Bà Lắm - một trong những người áp dụng mô hình trồng sả trên đất liếp ở vùng đất này cho biết: Hiện nay, giá sả ổn định ở mức trên dưới 4.000 đồng/kg, mô hình trồng sả có thu nhập khá, bà con nông dân rất an tâm sản xuất.

Sả được trồng ở trên đất liếp, dưới chân ruộng hoặc trên gò cao. Trong thời gian qua, có rất nhiều diện tích trồng lúa hiệu quả thấp đã được bà con nông dân chuyển sang trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc 2 vụ sả/năm. Năng suất thu hoạch bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, sản lượng bán từ 70 đến 100 tấn/ngày, lợi nhuận trung bình khoảng 70 triệu đồng/ha. Điều đáng ghi nhận là ngoài những hộ gia đình có cuộc sống khá giả nhờ trồng sả, những lúc nông nhàn, mọi người có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chặt sả thuê. Công việc này, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động khu vực nông thôn. Mỗi người chặt sả thuê thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Cây sả thích nghi với môi trường đất đai, chịu được hạn mặn, chi phí sản xuất thấp. Điều đáng lưu ý là đối với cây sả không có sâu bệnh gì đáng kể, chỉ có rệp sáp đi cùng với bệnh thối thân thỉnh thoảng xuất hiện vào kỳ sả sắp thu hoạch. Do vậy, bà con nông dân chỉ cần thu hoạch sả là loại trừ được ngay 2 đối tượng gây hại này. Còn như vào mùa nắng nóng, nếu thiếu nước tưới, thì bơm nước lợ hoặc nước có độ mặn thấp từ sông lên tưới vào gốc thì sả vẫn thích nghi và phát triển bình thường. Hiện nay có 3 giống sả chính được bà con nông dân vùng này thường sử dụng gồm: Sả xanh, sả trắng và sả hương. Trong đó, giống sả xanh được bà con sử dụng nhiều nhất vì có thân tròn, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, sả là cây màu chủ lực đã đóng góp tích cực trong công cuộc giảm nghèo nông thôn tại địa phương. Hiện nay, Tân Phú Đông đã định hình được vùng trồng sả chuyên canh trên 1.900 ha, cho sản lượng mỗi năm khoảng 30.000 tấn sản phẩm cung ứng thị trường, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Văn Trí

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết