Theo hãng tin Reuters, chính quyền Trung Quốc bắt đầu có các biện pháp nhằm ngăn chặn và chống lại cơn sốt giá vàng và hạn chế buôn bán vàng cũng như các kim loại quý khác tại thị trường nội địa.
Các ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc lo ngại tình trạng xảy ra hồi tháng 4 có thể lặp lại, khi các doanh nghiệp bán lẻ chịu tổn thất nặng nề do giá dầu WTI giảm xuống mức âm.
Cụ thể, ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc (CBC), kể từ ngày 31/7 đình chỉ giao dịch mở tài khoản bạch kim, paladi và tài khoản kim loại quý.
CBC giải thích sở dĩ có quyết định này nhằm mục đích kiểm soát rủi ro được chính phủ yêu cầu.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, cũng thực hiện động thái tương tự - hoàn toàn đình chỉ các giao dịch bằng vàng.
Sàn giao dịch Thượng Hải, nơi diễn ra các giao dịch tương lai bằng vàng và bạc, cũng kêu gọi hoạt động một cách hợp lý.
Giá vàng trên thế giới hiện đang đạt mức kỷ lục. Kim loại quý đã trở thành bến tránh bão cho các nhà đầu tư và hiện đang lên giá trên thị trường trong điều kiện đồng đô la sụt giá mạnh, cùng với tâm lý lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 mới và quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Những nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng
Theo các nhà phân tích, trong vòng hai năm, giá vàng có thể vượt trên 3 nghìn USD một ounce.
Trước đó, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management rằng, dù suy đoán rằng vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi những căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhưng theo quan điểm của UBS Global Wealth Management, các yếu tố chính tác động đến giá vàng là mối tương quan tiêu cực với lãi suất thực và đồng USD.
Chỉ số đồng USD cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong những ngày cuối tháng 7. Đồng USD vốn được xem là kênh dự trữ an toàn và việc đồng USD giảm giá đã khiến các nhà đầu tư lao vào nắm giữ vàng để tối đa hóa lợi nhuận trong đại dịch.
Lãi suất gần như bằng 0 cùng một loạt các biện pháp kích thích đã khiến vàng tăng giá so với đồng USD. Vàng thường có xu hướng tăng giá tốt trong thời gian kinh tế không ổn định và khó khăn.
“Chúng tôi cho rằng sự kết hợp giữa 3 yếu tố đồng USD giảm giá, lãi suất gần bằng 0 cùng các biện pháp kích thích kinh tế cùng với tăng trưởng nguồn cung hạn chế vì các công ty khai khoáng tiếp tục hạn chế chi tiêu vốn sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn”, ông Mark Haefele nhận định.
Còn theo yếu tố địa chính trị, tuần trước, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại bùng lên sau khi Trung Quốc ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô sau quyết định tương tự của Mỹ về việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA - ông Jeffrey Halley cho biết: “Tôi kỳ vọng giá vàng sẽ mất ít thời gian hơn để chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce so với thời gian tăng từ mức 1.820 USD/ounce lên 1.920,3 USD/ounce”.
Trong khi đó, ông Tim Shaler, nhà kinh tế trưởng tại iTrust Capital cho rằng, đà tăng của vàng cũng đồng thời với kỳ vọng của nhà đầu tư về xu hướng lạm phát gia tăng.
Theo ông Tim, với việc kích thích kinh tế Mỹ thêm 1.000 tỷ USD và tổng hơn 2.000 tỷ euro các gói chi tiêu ngắn và dài hạn ở châu Âu, nhà đầu tư vào vàng đang nhìn thấy xu hướng lạm phát trong tương lai sẽ tăng lên.
Ông Tim cũng lý giải thêm rằng, trong lịch sử, các chính phủ sẽ vay tiền và trả nợ, lạm phát do đó sẽ làm giảm chi phí thực tế của việc trả nợ.
Ví dụ, ở Mỹ, lạm phát của thập niên 1970 tăng mạnh sau 30 năm kể từ trái phiếu chiến tranh phát hành những năm 1940 đến hạn. Vàng được các nhà phân bổ tài sản giả định có mối tương quan ngược chiều với các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ khiến vàng trở thành một công cụ đa dạng hóa tuyệt vời cho danh mục đầu tư dài hạn của hầu hết các nhà đầu tư, không có gì lạ khi giá vàng tăng so với đồng USD và các loại tiền tệ khác.