Long An: 'Hái ra tiền' nhờ trồng khoai mỡ trên đất phèn

Khoai mỡ đang cho hiệu quả cao, mở hướng làm giàu cho người dân Thạnh Hóa (Ảnh Tư liệu)

Từ câu lạc bộ trồng khoai...

Khoai mỡ được trồng tại Thạnh Hóa từ nhiều năm về trước, đồng hành cùng người nông dân địa phương qua nhiều biến cố thị trường. Xã Thủy Đông là địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất huyện, với khoảng 1.200ha.

Trước đây, người dân trồng khoai chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản nên kỹ thuật canh tác còn hạn chế, năng suất chưa cao, sâu bệnh dễ phát sinh.

Từ thực tế trên, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Thủy Đông đề nghị UBND xã thành lập Câu lạc bộ Trao đổi kinh nghiệm sản xuất khoai mỡ tại ấp Đông Hòa vào năm 2014 với tổng diện tích gần 11ha, có 7 thành viên tham gia.

Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ trở thành “ngôi nhà chung” để các thành viên tương trợ, giúp đỡ nhau trong việc trồng khoai đạt năng suất, hiệu quả cao, cùng nhau bứt lên làm giàu.

Những người từng được tham gia lớp học kỹ thuật trồng khoai mỡ chia sẻ kinh nghiệm với những người mới trồng. Câu lạc bộ còn liên hệ HTX để khơi thông đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm thu nhập cho các thành viên.

Ngoài trồng khoai mỡ, các thành viên còn tăng thêm thu nhập nhờ xen canh các loại cây ngắn ngày như đậu phộng, khoai mì.

Các loại khoai “dạt” (củ nhỏ, méo…), khoai gãy cũng được tận dụng bán cho thương lái ở tỉnh Đồng Tháp, TP.HCM, Cần Thơ làm thức ăn cho cá và nguyên liệu cho các sản phẩm chế biến khác.

Anh Nguyễn Văn Đinh (xã Thủy Đông) cho biết: “Khi tham gia Câu lạc bộ, tôi được hướng dẫn về kỹ thuật và được bảo đảm đầu ra, hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá. Nhờ có Câu lạc bộ, chúng tôi tự tin sản xuất an toàn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

HTX Bến Kè đang giải quyết tốt bài toán thị trường cho thành viên, nông dân liên kết (Ảnh TL)

... Đến liên kết thành lập HTX

Hiệu quả của Câu lạc bộ trồng khoai mỡ xã Thủy Đông có đóng góp không nhỏ của HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Kè. HTX không chỉ hỗ trợ kỹ thuật mà còn là đơn vị bao tiêu một phần sản phẩm cho thành viên Câu lạc bộ.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè, ông Phan Thành Dũng cho biết: “HTX hiện có 12 thành viên, trồng 40ha khoai mỡ trắng và liên kết với nông dân trong vùng trồng thêm 60ha theo hướng VietGAP”.

Bình quân mỗi năm, thành viên HTX và hộ liên kết thu hoạch tổng trên 2.000 tấn khoai, đa phần được bao tiêu với giá ổn định 10.000 đồng/kg cả năm. Nhờ tiêu thụ ổn định, giá bán cao, khoai mỡ được mệnh danh là “cây thoát nghèo” của người dân địa phương.

Ngoài ra, HTX còn liên kết nhiều nông dân trồng khoai tím và hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP, thu mua để đủ nguồn cung cho khách hàng trong nước.

“Kết quả này là nhờ ngành công thương, nông nghiệp, khoa học và công nghệ hỗ trợ rất nhiều trong xây dựng thương hiệu, kỹ thuật canh tác và kết nối giao thương”, ông Dũng cho hay.

Hiện tại, HTX Bến Kè cung cấp bình quân trên 2.000 tấn khoai mỡ/năm, trong đó có 700 tấn vào các siêu thị trên địa bàn TP.HCM, một số tỉnh khác. Khoảng 1.300 tấn bán cho doanh nghiệp ở các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng... phục vụ sơ chế xuất khẩu đi nhiều nước.

Nguồn khoai mỡ tím cung cấp cho thị trường trong nước ổn định, còn khoai trắng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, HTX đang tiến hành liên kết rộng hơn với nông dân trồng khoai trắng nhằm bảo đảm nguồn cung.

“Nếu tiếp tục phát triển theo hướng an toàn, nâng cao khoa học - kỹ thuật, cây khoai mỡ sẽ là cây làm giàu bền vững cho thành viên HTX và cả các hộ trồng khoai tại địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, HTX cũng như các hộ rất cần các chính sách tạo điều kiện cho việc gia tăng diện tích, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá bán…”, ông Dũng nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Doanh Nghiệp