Từ đặc sản chè địa phương đến sản phẩm OCOP

Chúng tôi đến bản Púng Luông (xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) khi trời đã về chiều. Tại gia đình anh Lù A Câu và chị Thào Thị Nu (cũng chính là trụ sở của HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông) nhiều đồng bào dân tộc Mông đang mang chè búp tươi đến bán. Cầm trên tay số tiền 190.000 đồng sau khi bán 19kg chè búp tươi, mẹ con chị Thào Thị Chư (bản Đề Chờ Chua B) rất phấn khởi: “Đi hái trên nương cao lắm, từ 7h sáng đến 4h chiều. Có HTX thu mua chè với giá ổn định, gia đình cũng có thêm tiền để mua đồ ăn, thức uống”. Sau chị Chư, lần lượt có thêm rất nhiều hộ khác, người chở xe máy, người gùi trên lưng đi bộ đến bán chè… anh Câu và chị Nu tíu tít làm không hết việc.

Vợ chồng anh Câu, chị Nu chuẩn bị cho mẻ chè mới

Vừa cân chè, tính tiền và trả tiền cho người bán, chị Nu vừa khéo léo nhắc bà con chỉ hái búp chè theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, không được ham số lượng mà hái chè già, vừa tốn công chọn lựa, vừa ảnh hưởng tới sản phẩm chè sản xuất ra. Bên những chiếc máy sao chè đang đợi giờ để đỏ lửa, anh Câu cho hay: Anh sinh ra và lớn lên ở Púng Luông. Quan sát những nương chè Shan tuyết nhiều chục năm tuổi ở trong địa bàn xã và nhận thấy nhu cầu sử dụng chè (đặc biệt là chè an toàn) ngày một cao, anh Câu chợt nghĩ: “Púng Luông có giống chè ngon đến vậy, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này để vừa nâng cao giá trị cho cây chè, vừa phát triển kinh tế, khi mà đất canh tác đang ngày càng ít đi”.

Ý tưởng này đã dẫn dắt anh Câu tới việc thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông vào tháng 5/2019. Mặc dù năm đầu tiên đi vào sản xuất, quy mô, nhà xưởng, máy móc đều nhỏ bé và thô sơ, nhưng đến cuối năm 2019, cơ sở của anh Câu đã bắt đầu cho lợi nhuận. Phấn khởi, anh Câu đến tận các vùng chè ở Thái Nguyên, Sơn La để tìm hiểu về cách sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè thơm ngon, an toàn từ chính những đồi chè đang khai thác ở quê hương.

Tháng 7/2020, thực hiện cuộc vận động “Mỗi xã một sản phẩm” do huyện Mù Cang Chải phát động, anh Câu mạnh dạn đăng ký xây dựng chè Shan tuyết Púng Luông trở thành sản phẩm OCOP và thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông với mục tiêu là kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp, trước mắt là sản xuất, chế biến chè xanh. HTX có 7 thành viên, do chính anh Câu làm chủ.

Nhận thấy kế hoạch phát triển nhiều triển vọng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, Chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ HTX 110 triệu đồng để mua sắm thiết bị. Từ số tiền này, cùng với 120 triệu đồng do các thành viên HTX đóng góp, anh Câu đã mua máy vò, máy sao chè cỡ lớn, đồng thời, mở rộng quy mô nhà xưởng. Có máy móc, lại có nguồn chè an toàn thu mua trong dân, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông ngày càng tin tưởng vào hướng phát triển của HTX, từ đó quyết tâm để có được những sản phẩm tốt nhất. Không phụ công của anh chị em trong HTX, tháng 9/2020, chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020.

“HTX đã phải qua rất nhiều bước để được chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi đăng ký mã số mã vạch, vượt qua các khâu kiểm tra; thiết kế bao bì, mẫu mã. Đang làm theo kiểu truyền thống, tự phát, giờ làm theo quy chuẩn đúng là không đơn giản. Nhưng chúng tôi rất vui vì có chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, sức tiêu thụ tốt hơn, giá bán đã tăng 10 - 20% so với trước kia. Hiện mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 7 - 8 tấn chè khô, tương đương với 30 - 40 tấn chè búp tươi nguyên liệu” - anh Câu phấn khởi chia sẻ.Trời sập tối, thời tiết vùng núi cao Mù Cang Chải bắt đầu se lạnh. Cảm giác ấm áp chợt đến khi tôi nhấp chén trà tỏa hương do anh Lý A Câu tự chế biến, tự tay anh pha mời khách. Những mong, vị trà thơm ngon riêng có của chè Púng Luông sẽ được nhiều người dùng chè biết tiếng, để những đồng bào dân tộc Mông một đời gắn bó với cây chè có thêm niềm vui và hy vọng vào những búp chè xanh mát.

Nguồn Công Thương