Bài toán khó đầu tiên của Musk khi mua Twitter

Tỷ phú Elon Musk đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức tài chính sau khi sở hữu Twitter, đặc biệt là khoản nợ trị giá 13 tỷ USD.

Theo một số chuyên gia, Elon Musk đang ở trong thế bí sau khi hoàn thành thương vụ mua lại Twitter. Ảnh: AP.

Để hoàn thành thương vụ 44 tỷ USD để mua lại Twitter, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã phải vay khoảng 13 tỷ USD. Đây là những con số rất lớn, đặc biệt là với một công ty không đạt được lợi nhuận ở 8 trong 10 năm qua.

Việc Musk cân đo đong đếm vấn đề tài chính sẽ có tác động trực tiếp đến tương lai của nền tảng mạng xã hội. Nếu tình hình tài chính không tốt, bất kỳ kế hoạch nào của ông dành cho Twitter có thể sẽ phải hoãn lại.

Thế bí của Elon Musk

Để có đủ tiền thanh toán cho thương vụ, Musk tự bỏ ra khoảng 25 tỷ USD, vay 13 tỷ USD từ các ngân hàng. Những công ty đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital và Andreessen Horowitz đóng góp khoảng 7,1 tỷ USD.

Theo New York Times, hiện chưa rõ khoản tiền mà Musk bỏ ra có đóng góp của nhà đầu tư giấu tên nào không.

Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tiến tới một đợt suy thoái mới.

Trong khi đó, việc kinh doanh quảng cáo của Twitter cũng không hề thành công khi mà nền tảng mạng xã hội đã không tạo ra bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong gần một thập kỷ qua.

“Các công ty công nghệ cần có đủ tài chính để chi trả cho việc nghiên cứu, phát triển cũng như đổi mới. Tuy vậy, khả năng chi trả của Twitter đang gần như bằng không”, Drew Pascarella, giảng viên cao cấp về tài chính tại Đại học Cornell, nhận xét trên New York Times.

Tương lai của Twitter ít nhiều phụ thuộc vào khả năng quản lý tài chính của Elon Musk. Ảnh: Getty.

Năm ngoái, chi phí lãi vay của Twitter rơi vào khoảng khoảng 50 triệu USD/năm. Tuy nhiên, với khoản nợ mới trong thỏa thuận mua lại, con số đó đã tăng lên khoảng 1 tỷ USD/năm. Trong khi đó, công ty chỉ tạo ra dòng tiền khoảng 630 triệu USD trong năm 2021.

Ngoài ra, công ty cũng không có nhiều tiền mặt. Mặc dù Twitter sở hữu khoảng 6 tỷ USD tiền mặt trước khi được Elon Musk mua lại, phần lớn trong số đó đã được tính vào chi phí để hoàn tất thương vụ.

“Tất cả điều này sẽ đưa Elon Musk vào thế bí. Về cơ bản, Twitter sẽ phải dùng toàn bộ nguồn lực tài chính của công ty để trả nợ,” ông Pascarella nhận xét.

Giải pháp trước mắt

Để chi trả các khoản nợ, tỷ phú Musk có lẽ sẽ phải cắt giảm rất nhiều chi phí. Cuối tuần qua, ông đã ra lệnh cắt giảm nhân sự Twitter.

Một nhà đầu tư của thương vụ mua lại cho biết ông đã được người đứng đầu văn phòng của tỷ phú cho hay khoảng 50% trong số 7.500 nhân viên của Twitter sẽ bị sa thải.

Mỗi năm, chi phí Twitter bỏ ra cho khâu bán hàng và tiếp thị khoảng 1,2 tỷ USD, một phần lớn trong số đó dành cho tiền lương, phúc lợi và các khoản bồi thường khác cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu cắt bỏ những khoản này, Twitter có thể mất đi những nhân viên có quan hệ tốt với đối tác quảng cáo.

Việc đầu tiên tỷ phú làm sau khi lên tiếp quản Twitter là sa thải một loạt nhân viên. Ảnh: Getty.

Tiếp đó là 1,2 tỷ USD mà Twitter chi hàng năm cho việc nghiên cứu và phát triển. Khoản tiền này cũng chủ yếu dùng để trả lương cho nhân viên. Tỷ phú cũng có thể cắt giảm chi phí ở mảng này.

Tuy vậy, ông cho biết mình có những kế hoạch lớn cho nền tảng, chẳng hạn như dọn dẹp các tài khoản giả mạo và tạo ra những cách mới để quản lý nội dung. Để làm được những việc này Twitter sẽ cần thuê những kỹ sư tài năng và tất nhiên là lương cao.

Những khoản chi phí cố định khác như tiền thuê địa điểm, trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 1 tỷ USD/năm, nhưng cũng rất khó cắt giảm.

Theo Eric Talley, giáo sư luật doanh nghiệp tại Trường Luật Columbia, tỷ phú có vẻ như đang rơi vào thế bí bởi Twitter không có các mảng kinh doanh cụ thể để ông cắt giảm quy mô.

“Đây luôn là thách thức lớn nhất của thương vụ mua lại này. Bạn không thể cắt hết những phần không thể thiếu của Twitter để có lãi. Làm như vậy chẳng khác gì tự trói tay mình", ông Talley cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng nếu việc cắt giảm chi phí không giúp ích được gì, Elon Musk có thể sẽ cần phải huy động thêm tiền từ các nhà đầu tư bên ngoài trong vòng một năm.

Nếu Twitter cần thêm tiền, việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới là rất cần thiết. Ngay cả ông Musk cũng thừa nhận rằng các nhà đầu tư ban đầu của ông trong thương vụ định giá Twitter ở mức 44 tỷ USD “là quá cao”.

Musk tỏ ra rất hào hứng khi lần đầu bước vào trụ sở Twitter, sau khi hoàn tất thương vụ. Ảnh: Elon Musk.

Cổ phiếu của nhiều công ty mạng xã hội đã sụt giảm trong năm nay khi họ gặp phải những vấn đề chung của nền kinh tế.

Mặc dù với giá trị tài sản ròng hơn 200 tỷ USD, về lý thuyết ông Musk có thể giúp trang trải các yêu cầu tài chính của Twitter. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của ông đều nằm dưới dạng cổ phiếu của Tesla và cổ phiếu của công ty này đã giảm khoảng 40% trong năm nay.

Tại một thời điểm, ông Musk cũng đã cố gắng rút lui khỏi thương vụ mua Twitter bởi việc đầu tư nhiều tiền vào một công ty tăng trưởng chậm như Twitter cũng không giống như đầu tư vào một công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng như SpaceX, công ty chế tạo tên lửa của ông.

Rủi ro lớn hơn nằm ở Twitter bởi các ngân hàng cho vay chỉ quan tâm đến việc được trả lãi đúng thời hạn. Không giống như một công ty bất động sản, Twitter không có một lượng lớn tài sản để sản thế chấp nhằm giữ cho công ty hoạt động bình thường.

 

Nguồn: zingnews.vn