Tỷ phú bất động sản Trung Quốc âm thầm mở rộng đế chế tại Hong Kong

Theo Bloomberg, ông Kwok Ying Shing - Chủ tịch Kaisa Group Holdings (có trụ sở tại Thâm Quyến) - hiện là một trong những tỷ phú Trung Quốc đại lục nổi tiếng nhất Hong Kong. Kaisa mua 4 lô đất ở đặc khu này với giá 7,1 tỷ NDT (1,1 tỷ USD) hồi năm ngoái.

Gần đây nhất là thương vụ thâu tóm 50% sở hữu - tương đương 3,2 tỷ NDT (488 triệu USD) - một lô đất ở ở khu dân cư Kai Tak, trước đây thuộc sở hữu của doanh nhân Pan Sutong. Thông tin này gây xôn xao thương trường Hong Kong, bởi trước đây ông Kwok và Kaisa không có tiếng tăm gì tại đặc khu này.

Tham vọng của gia tộc họ Kwok không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản. Kwok Hiu Ting - con gái của Chủ tịch Kwok Ying Shing - mới đây mua lại cổ phần kiểm soát đế chế truyền thông Sing Tao News Corp - công ty sở hữu Sing Tao Daily, tờ báo lâu đời nhất và lớn thứ hai Hong Kong.

Tỷ phú Kwok Ying Shing, Chủ tịch Kaisa Group Holdings. Ảnh: Bloomberg.

Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Gary Ng thuộc Ngân hàng Natixis nhận định chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhiều công ty đại lục mở rộng kinh doanh tại Hong Kong "để hạn chế các tác động tiêu cực của tình hình hiện tại". Thời gian qua, nền kinh tế Hong Kong lao dốc vì tác động của dịch Covid-19, trong khi luật an ninh mới gây chấn động xã hội.

Dòng tiền từ Trung Quốc đại lục đã hỗ trợ thị trường bất động sản Hong Kong trong thời điểm nhiều nhà đầu tư lo ngại nguy cơ vốn chảy ra khỏi thành phố này. Trong những tháng qua, các ngân hàng toàn cầu cắt giảm diện tích văn phòng tại khu trung tâm tài chính Hong Kong, nhiều cư dân địa phương tính di cư sang Anh.

Được thành lập vào năm 1999, Kaisa tạo dựng uy tín từ hoạt động cải tạo các bất động sản bị bỏ hoang tại Trung Quốc, điển hình là dự án Quảng trường Trung Thành ở Quảng Châu. Năm 2020, Kaisa đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng các công ty bất động sản có doanh số cao nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2014, tập đoàn bị điều tra vì có quan hệ với Jiang Zunyu. cựu Bí thư Ủy ban Pháp trị và Pháp lý Thâm Quyến, bị kết án tham nhũng. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã chặn mọi dự án bất động sản của Kaisa tại Thâm Quyến. Tháng 12 cùng năm, Chủ tịch Kwok thông báo từ chức.

Nhưng 4 tháng sau, ông quay trở lại điều hành tập đoàn và cam kết “sẽ giúp Kaisa tăng trưởng nhanh hơn nữa”. Kaisa không bị phạt nhưng cạn vốn vì lệnh cấm kinh doanh tại Thâm Quyến. Kaisa sau đó trở thành tập đoàn bất động sản đầu tiên tại Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu tính bằng USD. Trong thời gian 2015-2016, công ty vỡ nợ trái phiếu 6 lần với tổng giá trị lên tới 2,5 tỷ USD.

Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Kaisa Group lên tới 97% trong năm 2020. Ảnh: FT.

Kaissa cho biết sử dụng nguồn lực nội bộ và vốn ngân hàng để đầu tư vào 4 dự án tại Hong Kong. Tuy nhiên, công ty này phát hành cổ phiếu huy động 334 triệu USD để mua một dự án bất động sản tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 3.

So với các công ty nhà đất có tên tuổi tại thị trường Hong Kong, Kaisa có nền tảng tài chính không mấy vững chắc. Năm 2020, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Kaisa Group lên tới 97%. Với các hãng bất động sản Hong Kong như CK Asset Holdings và Sun Hung Kai Properties, tỷ lệ này lần lượt là 6,9% và 13,6%.

Kaisa Group chỉ là một trong số hàng loạt tập đoàn bất động sản Trung Quốc đại lục đang "tấn công" thị trường Hong Kong. China Evergrande và China Vanke đã mua hàng loạt dự án tại đây. Năm ngoái, China Evergrande mua lại một lô đất lớn từ Henderson Land Development.

Ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đại lục tại Hong Kong ngày càng mở rộng. Năm 2008, các tập đoàn đến từ đại lục chỉ chiếm chưa đến 5% diện tích hoạt động trong các tòa nhà văn phòng hạng A tại khu trung tâm Hong Kong. Hiện tại, tỷ lệ đã tăng lên tới 30%, theo Savills Plc.

Nguồn Zing