Nói không với dự án quy mô nhỏ…

Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam vẫn giữ đà ổn định, song một hạn chế dễ thấy là quy mô các dự án nhìn chung còn quá nhỏ. Báo cáo 9 tháng tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, mặc dù vốn đăng ký cấp mới đạt 14,12 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ, nhưng số dự án cấp mới tăng gần 20%. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án vào Việt Nam tính bình quân quy mô ngày càng nhỏ.

Đó là chưa kể riêng Dự án Thành phố thông minh tại Hà Nội đã chiếm hơn 4 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới trong 9 tháng. Do vậy, nếu loại trừ dự án này và 1-2 dự án tỷ USD nữa, thì tính trung bình, quy mô các dự án cấp mới còn khiêm tốn hơn rất nhiều.

Chuyện dự án FDI có quy mô nhỏ vào Việt Nam đã được nhắc tới từ lâu.

Thừa nhận thực tế trên, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, cần phải rà soát và thống kê cụ thể xem cơ cấu các dự án quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực, ngành hàng nào. Với dự án dịch vụ, quy mô nhỏ là dễ hiểu. “Nhưng kể cả như vậy, thì cũng phải đặt vấn đề xem chúng ta có nên thu hút các dự án FDI như vậy nữa hay không, trong bối cảnh bây giờ khắp nơi người ta nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Trên thực tế, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến chuyện sẽ đưa một mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án FDI. Nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cũng đồng tình việc phải đưa ra quy định về suất đầu tư tối thiểu.

Đành rằng, không thể nói, các dự án quy mô nhỏ là không cần thiết và kém hiệu quả, nhưng một khi các dự án quy mô nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD/dự án quá nhiều, thì cũng cần xem xét lại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng sang thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, hay các dự án có sức lan tỏa đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bởi vậy, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần nghiêm túc xem xét và tính đến phương án nói “không” với các dự án có quy mô quá nhỏ để dành “đất” cho doanh nghiệp trong nước.

Giải tỏa áp lực cạnh tranh

Đánh giá cao thành tựu thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua, song tại một hội nghị trực tuyến mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về kết quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới. “Kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia, dẫn đến dòng vốn FDI đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Tuy áp lực cạnh tranh là hiện hữu, nhưng GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, không nên quá bi quan. “Tôi có thể đánh cược là không chỉ năm 2019, 2020 mà nhiều năm nữa, thu hút FDI vẫn giữ được đà tăng trưởng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại tin tưởng.

Niềm tin của vị Chủ tịch Hiệp hội FDI không phải không có cơ sở, khi rất nhiều ý kiến cho rằng, với nỗ lực cải cách của mình, Việt Nam vẫn đang ở vị thế “đắt khách”.

Ông Björn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, rất nhiều công ty Đức đang xem xét việc chuyển đổi nguồn cung sang Việt Nam do chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc, cũng như nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Việt Nam đang trở thành điểm sáng đầu tư nhờ kết hợp giữa chi phí lao động thấp, FTA đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế mở.

Ông Chris Argent, Giám đốc Cấp cao Phòng Chính sách công, quan hệ chính phủ và truyền thông của Tập đoàn PepsiCo, nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Việt Nam gần đây, cũng cho rằng: “Việt Nam chính là một trong 20 thị trường ưu tiên trên toàn cầu và đứng thứ 8 tại khu vực châu Á - Trung Đông - Bắc Phi của PepsiCo. Chúng tôi đang tập trung vào việc mở rộng kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam thông qua việc tiếp tục đầu tư”, ông Argent nhấn mạnh.

Nhằm thu hút hiệu quả dòng vốn FDI, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt kế hoạch các ngành, các cấp sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép.

Đồng thời, thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả...

Dù chưa tiết lộ thông tin chi tiết, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cũng đã bật mí, thu hút FDI có khả năng sẽ đạt đỉnh mới trong tháng 10, khi hàng loạt dự án tầm cỡ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến ngày 20/9, cả nước có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017; có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Anh Trung/Báo Đầu tư