Vốn hóa bốc hơi 7,4 nghìn tỷ USD, ngành công nghệ đang có bài kiểm tra khắc nghiệt

Mới một năm trôi qua mà nhiều cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ đã giảm hơn 70%, khiến vốn hóa ngành này bốc hơi 7,4 nghìn tỷ USD tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Cùng thời gian này năm ngoái, Chỉ số Nasdaq Composite, bao gồm các cổ phiếu công nghệ tại thị trường Mỹ đã đạt đỉnh, tăng gấp đôi so với thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện. Các công ty công nghệ liên tục tuyển dụng mới và nhà đầu tư khấp khởi vui mừng vì giá cổ phiếu không ngừng leo dốc.

Vậy nhưng hiện tại, sau 12 tháng, khung cảnh đẹp đẽ này đã biến mất. Không một cổ phiếu nào trong số 15 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ mang lại lợi suất dương cho nhà đầu tư. Vốn hóa Micrisoft giảm khoảng 700 tỷ USD. Giá trị thị trường của Meta, công ty mẹ của Facebook cũng giảm hơn 70% kể từ đỉnh gần nhất, khiến hơn 600 tỷ USD vốn hóa bốc hơi trong năm nay.

Tổng cộng, nhà đầu tư chứng kiến giá trị thị trường của các công ty công nghệ giảm khoảng 7,4 nghìn tỷ USD.

Diễn biến chỉ số Nasdaq trong 1 năm qua

Môi trường lãi suất cao hơn bóp nghẹt khả năng tiếp cận dòng vốn giá rẻ của doanh nghiệp, trong khi lạm phát leo dốc khiến tăng trưởng lợi nhuận của các công ty công nghệ không còn đầy hứa hẹn như trước. Điều này dẫn tới việc các công ty công nghệ đang không ngừng cắt giảm chi phí, không tuyển dụng mới, sa thải nhân viên.

Lãnh đạo các công ty công nghệ thừa nhận, họ đã có những nhận định sai lầm. Hóa ra, đại dịch Covid-19 không thay đổi mãi mãi cách thức chúng ta làm việc, giải trí, học tập… Trước đây, công ty công nghệ mở rộng lực lượng nhằm đáp ứng các nhu cầu làm việc, tương tác online gia tăng trong bối cảnh giãn cách, nhưng rút cuộc, đây lại là ván cược sai lầm.

Lần đầu tiên trong lịch sử gần 2 thập kỷ, Chỉ số Nasdaq đang trên đà tăng trưởng thấp hơn so với chỉ số thị trường chung S&P 500 trong 2 năm liên tiết. Lần gần nhất hiện tượng này xảy ra là khi bong bóng dotcom đổ vỡ.

Không ngoa khi nói rằng, các công ty công nghệ đang trong bài kiểm tra thực tế khắc nghiệt, mà mỗi một ông lớn lại đối diện bài toán riêng để sinh tồn.

Meta có năm tồi tệ, sa thải hàng loạt sẽ là chuyện “cơm bữa”

Năm 2022 đáng lẽ phải là năm của Meta – công ty mẹ của Facebook khi gã khổng lồ công nghệ này đổi tên vào cuối năm 2021. Trong suốt thời gian trước đó, Facebook đã luôn mang lại lợi nhuận hấp dẫn, đánh bại mọi dự báo được đưa ra và tăng trưởng ở mức cao nhất trong lịch sử.

Trước đó, Facebook đã là người tiên phong thành công vượt trội, thiết lập một nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn, tạo thói quen sử dụng smartphone của người dùng và đẩy mạnh các nền tảng di động. Đây cũng là lý do, ngay cả trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch năm 2021, cổ phiếu này vẫn tăng giá hơn 20%.

Vậy nhưng, CEO Mark Zuckerberg đánh cược vào một tương lai khác với góc nhìn của nhà đầu tư. Vị CEO này cam kết chi tiêu hàng tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho thế giới ảo, còn phố Wall chỉ muốn Facebook hãy tập trung vào hoạt động kinh doanh quảng cáo online, vốn đang là mảng hái ra tiền.

Hiện tại, vấn đề quan trọng bậc nhất với Facebook lại xuất phát từ Apple, khi chính sách quyền riêng tư mới trên iOS hạn chế Facebook và các doanh nghiệp khác quảng cáo tới đối tượng người dùng mục tiêu.

Giá cổ phiếu Facebook đã giảm khoảng 2/3 so với đỉnh gần nhất và Công ty cũng đang trên đà có 3 quý sa sút doanh thu liên tiếp. Đầu tháng 11/2022, Meta cho biết đang sa thải 13% lực lượng lao động, tương đương hơn 11.000 nhân sự - lần đầu tiên tiến hành sa thải quy mô lớn tới vậy.

Diễn biến giá cổ phiếu Meta (đường xanh nhạt) và Alphabet - công ty mẹ của Google (đường xanh đậm) trong năm qua

Thực tế, động thái sa thải này là “tin tốt” đối với Meta, bởi chi tiêu mạnh tay cho nhân sự vốn không phải chuyện xa lạ đối với Thung lũng Silicon. Các kỹ sư phần mềm luôn nhận được những gói thu nhập tốt từ các ông lớn công nghệ, trong đó có Google.

Trước đó, trong cuộc đua thu hút nhân tài, mức chi phí dành cho nhân sự công nghệ đã đạt tới mức cao mới. Amazon có thể chi hơn 700.000 USD cho vị trí kỹ sư hoặc trưởng nhóm dự án. Roblox – công ty game, trò chơi điện tử có thể trả tới 1,2 triệu USD cho vị trí kỹ sư, theo số liệu của Levles.fyi. Asana, nhà sản xuất phần mềm – doanh nghiệp đã niêm yết vào năm 2020 nhưng tới nay chưa tạo ra lợi nhuận, cũng thường chi mức lương khởi điểm cho kỹ sư là 198.000 USD.

Hiện tại, động thái sa thải hàng loạt diễn ra ở đa số các công ty công nghệ. Lượng nhân sự bị sa thải tại Cisco, Meta, Amazon, Twitter đã lên tới gần 29.000 người, theo số liệu thống kê của Layofffs.fyi. Nếu tính chung cả ngành công nghệ, con số này là hơn 130.000 người.

Trào lưu SPAC cũng thoái trào

SPAC, tên viết tắt của Công ty mua lại mục đích đặc biệt – thực chất là một công ty rỗng, không có các kế hoạch hoặc mục tiêu kinh doanh cụ thể, được hình thành nhằm tham gia các thương vụ M&A và tiến hành IPO. Bởi theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Công ty SPAC được tiến hành IPO và giao dịch.

Trước đó, các công ty khởi nghiệp ngành công nghệ đã liên tục tìm tới doanh nghiệp SPAC nhằm lên sàn và huy động vốn trên thị trường, tạo nên con sóng lớn giai đoạn 2020 – 2021. Tại thị trường Mỹ năm 2021, đã có 619 SPAC lên sàn, so với mức chỉ 496 công ty truyền thống tiến hành IPO.

Nhưng năm nay, mọi chuyện đã thay đổi. Chỉ số CNBC Post SPAC, theo dõi màn biểu diễn của các cổ phiếu doanh nghiệp SPAC sau khi lên sàn, giảm hơn 70% kể từ khi ra đời và giảm khoảng 2/3 trong vòng 1 năm qua. Nhiều công ty SPAC không tìm được đối tượng M&A.

Không riêng SPAC, các công ty khởi nghiệp công nghệ cũng có một năm ảm đạm. Nếu như năm 2021, giới đầu tư rót 325 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp, theo số liệu của EY và đạt đỉnh vào quý IV/2021, thì hiện tại, nguồn tiền rẻ đã không còn. Các công ty khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động huy động vốn mới.

“Các nhà đầu tư mạo hiểm đang cân bằng lại danh mục và chỉ có thể hỗ trợ nhưng doanh nghiệp có tương lai rõ ràng”, Jeff Grabow, trưởng nhóm vốn đầu tư mạo hiểm EY chia sẻ với CNBC.

Kể từ đầu năm tới nay, có 173 công ty khởi nghiệp tiến hành IPO, so với con số 961 công ty cùng kỳ năm ngoái.

Đường gập ghềnh phía trước

Facebook đang trong cuộc đua “đốt tiền” cho thế giới ảo, còn Twitter - nền tảng mạng xã hội lớn khác đối diện với những vấn đề của riêng mình dưới thời trị vì của Elon Musk.

Tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk tiếp tục giữ vững vị trí này ngay cả khi vốn hóa của Tesla đã giảm gần 50% trong năm qua. Hiện tại, ông là CEO của Twitter, sau loạt scandal muốn mua – không muốn mua lại doanh nghiệp này trong 6 tháng qua.

Ngay khi nhận vị trí mới, Elon Musk sa thải một nửa nhân sự Twitter. Những thay đổi đột ngột tác động tiêu cực tới hoạt động của Công ty, khiến hàng loạt doanh nghiệp ngừng hợp tác quảng cáo.

Nhắc tới công nghệ, câu chuyện rúng động thị trường hiện tại chính là sự sụp đổ đột ngột của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, một doanh nghiệp không có giám đốc tài chính nhưng đã “xoay sở” để tăng trưởng tới quy mô 32 tỷ USD trước khi “tan tành”. Các nhà đầu tư lớn vào FTX, bao gồm các tổ chức như Sequoia, BlackRock và Tiger Global chứng kiến khoản đầu tư của mình bốc hơi chỉ sau 1 đêm.

“Chúng ta hoạt động trong lĩnh vực chấp nhận rủi ro, một số khoản đầu tư tăng trưởng đáng kinh ngạc và một số khác cũng đi xuống bất ngờ”, Sequoia chia sẻ trong thư gửi các đối tác thông báo rằng, khoản đầu tư hơn 210 triệu USD vào FTX đã trở thành con số 0.

Ngành công nghệ đang trải qua quãng thời gian không hề êm đẹp, với cơn sốt tiền điện tử dần hạ nhiệt, các cuộc sa thải hàng loạt ở mọi quy mô và biến động dữ dội của thị trường chung. Con đường phía trước được dự báo sẽ còn nhiều gập ghềnh hơn nữa.

Nguồn: baodautu.vn