Đây là Nghị định hợp nhất từ Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2021/NĐ-CP, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký xác thực văn bản hợp nhất số 1453/VBHN-BVHTTDL.
Giảm thiểu ý kiến chủ quan từ số phiếu bầu
Còn nhớ, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Nghị định 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 11-11-2019, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắn cho rằng, trong tiêu chí xét NSND, NSƯT, bao giờ cũng có 4 tiêu chí để đánh giá, đủ huy chương là đủ điều kiện, tại sao còn có Hội đồng xét duyệt? NSND Lê Tiến Thọ cũng đặt câu hỏi rằng: “Những người đủ điều kiện rồi, không vi phạm gì, được bạn nghề yêu quý, vì lẽ gì người ta không được danh hiệu NSND? Thành phần Hội đồng có đủ khả năng, tư cách, trình độ để đánh giá hay không?”.
Ông lấy ví dụ trong đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ trẻ, tài năng đã được phong tặng NSƯT gần 10 năm và trong các kỳ hội diễn được 3 huy chương vàng nhưng vẫn bị hội đồng bỏ phiếu “không đồng ý”. Thậm chí, có người cứ bị trượt triền miên vì hội đồng. Trước đó, việc 3 nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu trượt khỏi đề nghệ xét tặng danh hiệu NSND tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước vào năm 2018 do không đủ 90% số phiếu, từng làm nóng dư luận.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thẳng thắn chỉ ra lý do: “Có những người ngồi trong hội đồng nhưng thù oán cá nhân hoặc thích người này, không thích người kia thế là cả cuộc đời nghệ sĩ không có danh hiệu. Vậy, nghị định với hội đồng ai mạnh hơn? Đó là những bất cập trong quá trình làm việc của các hội đồng”.
Tuy nhiên, điểm mới nổi bật tại Nghị định 40 là hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT chỉ cần đạt từ 80% phiếu đồng thuận của thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Trong khi Nghị định 89/2014/NĐ-CP trước đây quy định tỉ lệ này là 90%. Như vậy, điểm mới trong Nghị định này đã phần nào giảm thiểu ý kiến chủ quan từ số phiếu bầu, theo hướng tôn vinh tài năng thực sự của nghệ sĩ.
Nới rộng biên độ hoạt động
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng tạo độ thông thoáng về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân.
Nếu Nghị định 89 quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại hội đồng cấp cơ sở thì nghị định mới bổ sung thêm quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại hội đồng cấp cơ sở. Sự sửa đổi này nhằm tháo gỡ vướng mắc từ nỗi lo không đủ bằng cấp đối với trường hợp các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính truyền nghề.
Nhiều tiêu chuẩn khác về xét tặng NSND, NSƯT cũng được thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ. Thay vì quy định thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng với nghệ sĩ xiếc, múa là 15 năm trở lên mới được xét tặng danh hiệu NSND như trước đây, Nghị định mới giữ nguyên về số năm nhưng cho phép tính cộng dồn. Tức là nghệ sĩ có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc ngắt quãng, miễn là đảm bảo số năm theo quy định. Quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cho cá nhân được xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được cộng dồn như vậy.
Nghị định mới cũng cho phép xem xét thêm trường hợp nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Tiêu chí giải vàng không còn “trói buộc” nghệ sĩ lão làng
Quy định mới về một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng cũng là điểm nhấn nổi bật tại Nghị định. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều trường hợp đã tạo dư luận trái chiều trước đây. Một số tài năng được công chúng mến mộ nhưng lại thiếu các tiêu chí về giải thưởng được quy định tại Nghị định 89 nên không được xét tặng, gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ.
Theo quy định mới, các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
NSƯT Kim Tử Long cho rằng, trong nhiều năm qua, tiêu chí giải thưởng vốn được xem là “bất khả thi” với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trước đây, nếu không xét đặc cách. Kể cả các NSND: Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Minh Vương... cũng đều phải đặc cách. Trong khi với người hâm mộ, họ hoàn toàn xứng đáng và tài năng của họ đã là một bảo chứng.
“Bởi, cách đây hàng chục năm, các cuộc thi tài năng rất hạn chế, nghệ sĩ làm gì có cơ hội đoạt giải thưởng, huy chương. Hơn nữa họ là những người thuộc thế hệ khai phá, đi trước, khi đã trở thành “cây đa cây đề” thì chẳng lẽ phải tranh giải hay đi thi để cho học trò chấm? Đó còn chưa kể khi đã ở một vị trí nhất định, nghệ sĩ thế hệ trước thường lùi lại để tạo cơ hội cho thế hệ sau thử sức ở các cuộc thi lớn nhỏ. Cơ hội để nghệ sĩ gạo cội có được 2 giải vàng cấp quốc gia vô cùng khó. Do vậy, sự thay đổi trong nghị định này rất hợp lý”, “ông hoàng cải lương” bộc bạch.
Đồng quan điểm, NSND Kim Cương cũng hồ hởi về Nghị định 40 vì sau nhiều lần lên tiếng xung quanh vấn đề đong đếm huy chương để đủ chuẩn xét danh hiệu, cuối cùng giải vàng không còn là điều kiện “trói buộc” với nghệ sĩ gạo cội. “Còn nhớ, các nghệ sĩ tiền bối của sân khấu phía Nam như: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nam, Năm Đồ, Thành Tôn... được trao danh hiệu NSND, chúng tôi tự hào lắm. Thời đó đâu có xét theo huy chương, mà có xét thì các vị nghệ sĩ tiền bối của chúng ta làm gì có huy chương để đủ chuẩn”, nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Cởi mở danh hiệu có “mất thiêng”?
Với nhiều quy định cởi mở, thông thoáng, Nghị định 40 được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét tặng các danh hiệu; đồng thời tôn vinh và khẳng định dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Song, có không ít ý kiến lo ngại rằng, khi điều kiện nới lỏng, liệu NSND, NSƯT còn là danh hiệu cao quý, thiêng liêng mà ai có được nó đều xứng đáng được vào "ngôi đền thiêng" của nghệ thuật không?
NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) từng gay gắt nói tại tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Nghị định số 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 11-11-2019 rằng: “Càng ngày, tôi càng thấy việc chạy huy chương vàng để lên NSND lộ lắm. Vì nhiều người còn chạy theo thành tích. Nhiều người được huy chương vàng trong các hội diễn chuyên nghiệp nhưng công chúng chẳng biết là ai. Danh hiệu NSND ngày càng xuống cấp, vì vậy, rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu cũng đáng trân trọng”.
NSND Thanh Hoa cũng cho biết, có những nghệ sĩ cống hiến thầm lặng cả cuộc đời nhưng vì không được tham gia các vở diễn nên không có huy chương. “Phải xác định lại NSND là cống hiến cho nhân dân hay trong ngành nghề. Trên cương vị nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rằng, yếu tố được khán giả công nhận quan trọng hơn nhiều, lan tỏa hơn nhiều”.
NSƯT Kim Tử Long cũng ái ngại khi thấy nhiều nghệ sĩ còn quá trẻ, thuộc thế hệ con cháu đánh trượt những nghệ sĩ gạo cội, thì dẫn đến việc những NSND, NSƯT đi trước như phải đứng ngang hàng với những tên tuổi chưa xứng đáng là điều không công bằng. Vì thế, ông cho rằng, việc đưa ra quy định xem xét đặc cách xét tặng danh hiệu là điều hợp lý, giải thưởng không vì thế mà mất thiêng vì còn phải thông qua vòng xét duyệt của Hội đồng cấp Nhà nước. Có chăng, danh hiệu NSND, NSƯT bị “cào bằng” trong nhiều năm qua là ở sự máy móc trong các tiêu chí giải thưởng, nghệ sĩ chỉ cần đủ hồ sơ là có danh hiệu.
“Nếu Nghị định bỏ hẳn tiêu chí huy chương mà xem xét thâm niên, sự đóng góp và thẩm định được tài năng của nghệ sĩ thì đó mới là hướng đi mở. Khi đó, sẽ không còn thực trạng có những tên tuổi xứng đáng được trao danh hiệu nhưng vẫn tay trắng hoàn trắng tay, hoặc chưa được tôn vinh đúng vị trí chỉ vì vướng mắc huy chương. Thực tế đã chứng minh huy chương, giải thưởng ở các cuộc liên hoan, thi tài năng nhiều năm gần đây không còn đủ sức chứng minh cho tài năng, thậm chí là sự đóng góp của nghệ sĩ. Huy chương đang được cào bằng ở nhiều liên hoan, hội thi... khiến giá trị giảm sút đi nhiều”, NSƯT Kim Tử Long phân tích.
Về điều này, NSND Kim Cương nhấn mạnh thêm rằng, việc đặc cách xét duyệt danh hiệu cũng cần cẩn trọng: "Chức năng của các hội chuyên ngành ở địa phương rất quan trọng. Vì họ nắm rõ thông tin nghề nghiệp, những cống hiến của nghệ sĩ ở các lĩnh vực, qua đó từ cơ sở, địa phương, hội chuyên ngành sẽ đề xuất xem xét giới thiệu".