Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại đầu cầu Chính phủ, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại điểm cầu Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày 16-7, hội nghị tương tự đã diễn ra và đưa ra quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng. Hôm nay, hội nghị kiểm điểm xem tình hình giải ngân đến đâu.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thứ nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công thì đến nay đã làm việc đó đến đâu, có khó khăn, vướng mắc gì? Thứ hai, chúng ta đưa nội dung cần thiết vào thúc đẩy vấn đề này như phân bổ vốn thì đã phân bổ hết chưa, vì sao chưa phân bổ hết? Thứ ba, đã giải quyết một số vấn đề tại một số công trình quan trọng đến đâu, như đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc giải ngân đã có tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nêu ra bài học kinh nghiệm, như tại Ninh Bình, địa phương này họp HĐND hằng tháng để giải quyết các vấn đề liên quan đến những công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Hiện nay, theo báo cáo, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công khá nhanh, trên 45%; trong đó có 9 địa phương và 5 bộ, cơ quan đạt trên 60%, như Thái Bình (70%), Hà Nam (61%), Hội Nhà văn Việt Nam (hơn 93%), Phú Thọ (68%)… Đây là những điển hình. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương và bộ giải ngân rất chậm, đặc biết có 1 địa phương và 16 bộ, cơ quan đạt tỷ lệ giải ngân dưới 15%, như Hội Chữ thập đỏ (0%), Ngân hàng Nhà nước (6,1%), Bộ Ngoại giao (6,6%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (9%)...
“Tại sao có địa phương làm tốt, có địa phương lại chưa làm tốt?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Vì vậy, tại hội nghị hôm nay cần chia sẻ kinh nghiệm giải ngân cũng như những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ. “Hội nghị thẳng thắn, chân tình chứ không xuề xòa, dễ dãi, phải cương quyết có chế tài kèm theo xử lý đến nơi đến chốn về vấn đề này, vì giải ngân liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.