Như mọi năm, từ đầu tháng 9 (âm lịch), các cơ sở tại làng nghề truyền thống may mùng, mền ở xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) bước vào giai đoạn tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường.
Nhiều chủ cơ sở nơi đây cho biết, sản phẩm làm ra được tiêu thụ quanh năm nhưng thời điểm hút hàng nhất vào khoảng tháng 9 (âm lịch) đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Bởi, đây là khoảng thời gian người dân sửa soạn nhà cửa, mua sắm các mặt hàng này để đón Tết.
Dù các sản phẩm mùng, mền tiêu thụ mạnh vào dịp cận Tết Nguyên đán nhưng giá thành không thay đổi so với ngày bình thường. Cụ thể, mền có giá từ 70.000-300.000 đồng/cái, 30.000-100.000 đồng/cái mùng, 10.000-70.000 đồng/cặp áo gối.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ cơ sở sản xuất mùng, mền Thanh Thủy, ấp Phú Hòa I, xã Bình Hòa) cho biết: “Từ đầu tháng Chạp cho đến cận Tết là thời điểm sản phẩm tiêu thụ rất mạnh. Để có nguồn hàng cung cấp cho các đại lý, thương lái, ngoài việc sản xuất dự trữ từ trước, tôi phải thuê thêm nhân công lao động làm việc tại cơ sở và các lao động vệ tinh”.
Vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Văn Tài cho biết, làng nghề may mùng, mền xã Bình Hòa có khoảng 26 cơ sở hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại chỗ và hơn 1.200 lao động vệ tinh, với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc sản xuất các sản phẩm truyền thống như: mùng, mền, các cơ sở làng nghề còn kinh doanh thêm các mặt hàng, như: thú bông, nệm, màn cửa… tạo sự phong phú về chủng loại hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của người dân. Các sản phẩm của cơ sở chủ yếu bán cho các thương lái ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và xuất sang thị trường Campuchia.
Các sản phẩm làng nghề đa dạng về mẫu mã và chủng loại
Các sản phẩm của làng nghề mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, Chợ Mới, An Giang) từ lâu được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng, bởi độ bền cao cùng sự đa dạng về mẫu mã, độc đáo và tinh xảo đến từng chi tiết. Các sản phẩm tại sở sản xuất rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Tùy vào yêu cầu của khách hàng cũng như sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra đời các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng, phù điêu, tranh gỗ...
Giá của từng loại sản phẩm từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, tùy vào chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước của các mặt hàng.
Máy móc phục vụ đắc lực cho việc hoàn thiện sản phẩm mộc
Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Long Thuận 1, xã Long Điền A) cho biết, đối với những sản phẩm thông thường, với mẫu có sẵn như: tủ, bàn, giường… chỉ mất vài ngày là có thể hoàn thành, nhưng đối với những sản phẩm điêu khắc có kích thước lớn và độ khó cao, phải tốn thời gian rất lâu để hoàn thành, có thể lên đến vài tháng.
“Ngày nay, dù máy móc phục vụ đắc lực, nhưng có nhiều công đoạn phải làm thủ công bằng chính đôi bàn tay của người thợ, thì sản phẩm mới hoàn hảo, sắc sảo, sáng đẹp được. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết bằng tay, không thể làm bằng máy” - ông Hòa chia sẻ.
Những ngày cận Tết, các sản phẩm mộc tiêu thụ mạnh, người thợ phải làm việc rất khẩn trương để kịp giao hàng cho khách. Chị Liễu (Chủ cơ sở mộc ở ấp Long Thuận 2) cho biết, để phục vụ thị trường Tết, cơ sở của chị phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ từ giữa năm.
Hiện tại, cơ sở của chị phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao hàng cho khách. “Bên cạnh việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, cơ sở chị Liễu chủ động sản xuất thêm các mặt hàng như bàn ghế, đồ gỗ gia dụng, đồ thờ cúng… để có sản phẩm bán trong dịp Tết.