3 lời khuyên về chi tiêu sinh hoạt hàng tháng
Chi tiêu 'cần và muốn' của bạn chiếm đến 80% thu nhập hàng tháng, vì vậy nếu bạn có thể quản lý chi tiêu của mình hiệu quả thì kế hoạch tài chính sẽ càng nhanh chóng đến đích.
Chi tiêu "cần và muốn" của bạn chiếm đến 80% thu nhập hàng tháng, vì vậy nếu bạn có thể quản lý chi tiêu của mình hiệu quả thì kế hoạch tài chính sẽ càng nhanh chóng đến đích.
Phụ nữ trước giờ luôn là người chăm lo cho tài chính gia đình nhưng không phải ai cũng khéo vun vén nên trường hợp không thể quản chi tiêu hợp lý do bệnh "nghiền" mua sắm hay vung tay cho các khoản không cần thiết không phải hiếm.
Đó cũng là lý do tại sao những vấn đề liên quan tới chi tiêu sinh hoạt luôn được các chị em quan tâm. Liên quan tới vấn đề này, chị Mina Chung - Đại sứ của nền tảng cộng đồng phụ nữ về tài chính và sự nghiệp đã đưa ra 3 lời khuyên về chi tiêu sinh hoạt hàng tháng.
Lời khuyên thứ 1: Chi tiêu cho mục tiêu muốn
Khi bạn chi tiêu cho những mục tiêu là "MUỐN" thì không nên dẫn đến nợ, vì theo quan điểm cá nhân của tôi đó là nợ xấu, là chi tiêu mà không phục vụ cho những mục tiêu cần thiết trong cuộc sống, bao gồm như: giải trí, shopping hay là các nơi xa xỉ 1 chút.
Do đó, nếu bạn sử dụng nợ cho những cái chi tiêu này thì sẽ ảnh hưởng đến số tiền dành dụm và tiết kiệm của mình cho những mục tiêu lớn khác trong cuộc sống.
Lời khuyên thứ 2: Chi tiêu sau khi tiết kiệm
"Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm" - câu nói này của ông Warren Buffett - 1 trong 3 tỷ phú giàu nhất thế giới với giá trị tài sản lên đến 85 tỷ USD. Thoạt nghe thì thấy rất đơn giản, nhưng hầu hết số đông vẫn không làm việc này. Có thể họ cũng nghĩ là mức lương hiện tại của họ rất thấp và trên thực tế đang không đáp ứng đủ nhu cầu sống thì nói gì đến tiết kiệm.
Tuy nhiên, đây là suy nghĩ rất sai lầm. Hãy nhìn xa hơn 1 chút, nếu không có khoản tiết kiệm thì tương lai của bạn sẽ thế nào? Đó mới chính là điều bạn cần nhìn nhận.
Do vậy, chị Mina Chung đưa ra lời khuyên ra, tất cả những dòng tiền vào dù lớn hay nhỏ thì ít nhất cũng nên để dành ra khoảng 5%. Sau khi tiết kiệm được khoản này, bạn mới tính toán chi tiêu những phần còn lại.
Cách chi tiêu như thế nào sẽ ảnh hưởng lớn đến số dư trong tài khoản của bạn - Ảnh minh họa.
Lời khuyên thứ 3: Hãy tránh overspending (chi tiêu quá khả năng)
Đây cũng là 1 hình thức dẫn đến rất nhiều vấn đề cho chúng ta. Nhiều lúc những điều này có thể trở thành thói quen mà bạn khó có thể kiềm chế được trước những lời dụ dỗ trong thời gian khuyến mãi hay big sale của hàng loạt các nhãn hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo chị Mina Chung, điều các chị em cần làm là đặt mục tiêu cho bản thân, cắt giảm những chiếc thẻ tín dụng. Tốt hơn hết là 1 năm bạn chỉ đặt ra chỉ tiêu cho bản thân về số lần shopping trong 1 năm, hoặc nên dành ra những mục tiêu "cần" để đưa ra lựa chọn tốt nhất vào những lúc khuyến mãi hay big sale. Đây chính là lúc bạn cần rạch ròi giữa những điều mình thực sự cần và các thứ bản thân muốn để có thể chi tiêu 1 cách hợp lý.
Hy vọng 3 lời khuyên trên sẽ giúp được cho các chị em cách chi tiêu sinh hoạt hằng tháng hiệu quả. Lúc đó, chắc chắn số dư trong tài khoản của bạn sẽ tăng lên.
Nguồn: vietnamnet.vn