5 kiểu nhân viên không được sếp tin tưởng

Làm ít nói nhiều

Kiểu nhân viên với thói quen “thùng rỗng kêu to” là hình tượng thường xuyên xuất hiện trong hầu hết các môi trường công sở. Với biểu hiện là thói quen thể hiện bản thân một cách thái quá thông qua tâng bốc, chủ quan trong công việc. Là những người thay vì hành động ngay thì họ thường kéo dài thời gian, đồng thời có những suy nghĩ thiếu thực tế, không sát sao với tình hình cá nhân, tổ chức. Đối tượng nhân viên này thường mang lại cảm giác bất an, không đáng tin cậy và có phần gây khó chịu cho mọi người khi đangtrong quá trình làm việc, đặc biệt trong các dự án đòi hỏi tính tập trung, nghiêm túc cao. Vì vậy, sếp chắc chắn sẽ không giao việc quan trọng cho kiểu nhân viên này.

Thường xuyên trễ hẹn

Trễ hẹn từ lâu đã trở thành “đặc sản tồi” của xã hội nói chung và môi trường công sở nói riêng. Dù với bất kỳ lí do gì đi nữa thì trễ hẹn trong công việc luôn là nguyên nhân quan trọng khiến nhân viên bị đánh giá về thái độ và tác phong chuyên môn. Trễ hạn hoàn thành công việc, trễ hẹn họp chuyên môn,… đây là những lỗi nhân viên thường mắc phải và chắc chắn không thể xem nhẹ mà cần chấn chỉnh và phê bình ngay lập tức để tránh những tình huống phát sinh ở những lần sau. Nên nhớ, mỗi lần trễ hẹn của bạn sẽ làm lòng tin của cấp trên giảm đi một phần.

Nói dối

Trái nghĩa với lòng tin chắc chắn là sự dối trá. Có thể nói rằng theo những khảo sát ở nhiều môi trường công sở kết quả đã chỉ ra rằng một trong những kiểu nhân viên làm sếp cảm thấy thất vọng nhất đó chính là nhân viên hay nói dối. Nói dối trong quá trình làm việc, nói dối để lấp liếm sai lầm, nói dối để xu nịnh cấp trên,… Kiểu nhân viên với thói quen xấu này thường không bao giờ nhận được sự tin cậy, giao phó những công việc quan trọng. Nếu không ghi nhận để sửa chữa, chắc chắn trong tương lai sẽ khó có cơ hội để tồn tại trong môi trường tập thể.

Không có quan hệ tốt với đồng nghiệp

Ngày nay ở hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đã dần ưa chuộng phương thức làm việc tập trung theo nhóm thay vì độc lập, cá nhân như trước đây. Điều này chứng tỏ tính hợp tác, đoàn kết và phối hợp với nhau là tất yếu mà bất cứ nhân viên nào cũng phải thực hiện. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên có tinh thần đồng đội và những buổi team-building, trò chơi đội nhóm ra đời. Đây không những là cơ hội để rèn luyện khả năng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau mà qua đó còn đánh giá mức độ gắn kết giữa các cá nhân trong tập thể. Thông qua những hoạt động này, bạn nên nắm bắt cơ hội để xây dựng tốt hơn mối quan hệ với các đồng nghiệp nếu không muốn cấp trên thiếu tin tưởng trong những công việc đòi hỏi tinh thần đồng đội cao.

Thụ động, ít chịu tiếp thu cái mới

Nhân viên công sở thường ít có thái độ cầu thị vì cho rằng bản thân mình đang ổn định. Họ ít muốn thay đổi trong tư duy công việc cũng như cách thức hoạt động. Thế nhưng trong tình hình phát triển chóng mặt của công nghệ và kỹ thuật, chắc chắn yêu cầu về chuyên môn mà doanh nghiệp đòi hỏi ở nhân viên cũng liên tục tăng lên. Điều này thể hiện ở thái độ đốc thúc, khuyến khích của sếp với các nhân viên thông qua các khóa đào tạo ngắn ngày. Nếu nhân viên liên tục thể hiên bản thân mình là người thụ động trước thay đổi môi trường xung quanh cũng như hạn chế tinh thần tiếp thu thì tin chắc chắn sẽ bị thụt lùi so với đồng nghiệp – đồng nghĩa với lựa chọn của cấp trên cho những vị trí chuyên môn cao hơn cũng không phải là bạn.

Trên đây là 5 kiểu nhân viên làm sếp không tin tưởng. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn điều chỉnh, hoàn thiện mình hơn để có được sự tin cậy xứng đáng từ sếp và đồng nghiệp.

Tiến Huy

Nguồn: Báo Thế Giới Trẻ